Nhu cầu
lương thực thực phẩm ngày càng tăng, trong khi các yêu cầu, điều kiện không quá
khắt khe, thị trường Bắc Phi đang trở nên hấp dẫn với nhiều cơ hội để các doanh
nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản.
Phần
lớn các nước Bắc Phi có nền nông nghiệp lạc hậu, năng suất thấp không thể đáp
ứng đủ nhu cầu lương thực cho người dân. Khu vực này từ lâu đã phụ thuộc
vào nguồn lương thực thực phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng
hải sản thay thế cho thịt trong bữa ăn hàng ngày tại các nước Bắc Phi cũng
khiến nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản ngày càng tăng. Ngoài ra
nhiều mặt hàng rau củ quả các loại của Việt Nam cũng được ưa chuộng tại thị
trường này.
Về tiềm
năng đối với từng mặt hàng nông sản của Việt Nam ông Phạm Ngọc Cảnh, Tham tán
Thương mại Việt Nam tại Ma-rốc đã có những đánh giá và phân tích chi tiết. Đối
với mặt hàng hạt tiêu, do các nước Bắc Phi thuộc khu vực Đạo hồi nên có nhu cầu
lớn trong việc sử dụng gia vị để chế biến thức ăn hàng ngày, trong đó, mặt hàng
hạt tiêu được sử dụng với số lượng nhiều nhất. Thực tế, mặt hàng hạt tiêu của
Việt Nam đã thâm nhập và có chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường này với mức
tăng trưởng bình quân khá cao. Nếu có các biện pháp xúc tiến thương mại phù hợp
thì khả năng tăng trưởng kim ngạch mặt hàng này tại các nước Bắc Phi sẽ rất khả
quan, ông Cảnh nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan,
trong năm 2011, Việt Nam xuất sang Angeria hơn 25 ngàn tấn cà phê trị giá hơn
51 triệu USD và hơn 38 ngàn tấn gạo trị giá hơn 19 triệu USD; xuất sang
Ai Cập hơn 5,7 ngàn tấn hạt tiêu trị giá hơn 31 triệu USD, hơn 2,6 ngàn tấn
cà phê trị giá hơn 5 triệu USD và gần 63 triệu USD hàng thuỷ sản.
|
Đối với
các mặt hàng rau quả tươi, thực phẩm, nhu cầu rau quả ở khu vực này chủ yếu là
loại củ quả và rau nhiệt đới. Theo ông Cảnh, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập
trung nghiên cứu, đồng thời nên xem xét khả năng đầu tư gieo trồng tại đây để
cung cấp cho cả thị trường EU.
Với mặt
hàng hạt điều, mặc dù Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế
giới, song lại phải nhập đến 50% nguyên liệu hạt điều thô, trong đó, nhập khẩu
từ các nước thuộc khu vực Tây Phi với số lượng đáng kể. Do vậy, ông Phạm Ngọc
Cảnh khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản
xuất điều tại các nước thuộc khu vực Bắc Phi (nhằm giảm được cước vận tải
nguyên liệu cũng như thành phẩm) để cung cấp cho thị trường các nước Bắc Phi và
châu Âu, tận dụng vị trí địa lý vô cùng thuận lợi của khu vực này.
Nằm ven
biển Địa Trung Hải, các nước trong khu vực Bắc Phi có lợi thế về xuất khẩu thủy
sản, tuy nhiên, các nước này lại có nhu cầu nhập khẩu các loại thủy sản nước
ngọt và nước lợ rất lớn. Với thị trường 160 triệu dân, hàng năm, Bắc Phi nhập
khẩu từ 600 - 650 triệu USD hàng thủy hải sản các loại, đạt mức tăng trưởng
bình quân 30%/năm.
Muốn
đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước Bắc Phi, ông Phạm Ngọc Cảnh yêu cầu
các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tìm hiểu và nắm vững các quy định
thủ tục nhập khẩucủa từng nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần bố trí
những cán bộ có đủ trình độ về tiếng Pháp để giao dịch với đối tác, đây chính
là lợi thế đảm bảo thành công. Đồng thời nên nghiên cứu khả năng đầu tư dây
chuyền sản xuất hạt điều và việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ tại khu
vực thị trường này.
Cũng
theo ông Cảnh, vấn đề thanh toán đang là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp
Việt Nam khi xuất khẩu vào khu vực thị trường này. Do vậy, ngoài nỗ lực của bản
thân doanh nghiệp, Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ cho các doanh
nghiệp về mặt cơ chế cũng như thúc đẩy nhanh hơn nữa việc hợp tác trong lĩnh
vực ngân hàng, giữa ngân hàng của Việt Nam và ngân hàng các nước khu vực Bắc
Phi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán; triển khai các
chương trình bảo hiểm xuất khẩu; cấp tín dụng ưu đãi khi xuất khẩu vào thị
trường này./.
Theo BaoMoi