|
Theo thống kê từ các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), lượng hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường EU từ đầu năm đến giữa tháng Ba đã giảm từ 25-30% so với cùng thời điểm năm 2011.
Theo Vitas, nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng nợ của các quốc gia EU nên người tiêu dùng siết chặt chi tiêu, thị trường nhập khẩu bị thu hẹp khiến cho lượng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường này giảm so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu EU đang chuyển dần những đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào và Bangladesh nhằm tránh mức thuế nhập khẩu 10%, do những quốc gia này còn được hưởng tiêu chuẩn Tối huệ quốc (MFN) với mức thuế suất nhập khẩu 0% của EU dành cho những quốc gia đang phát triển.
Hiệp hội này cũng cho biết nếu mua hàng dệt may từ Việt Nam, các nhà nhập khẩu từ EU phải chịu mức thuế 10%, vì Việt Nam đã không còn trong danh sách những quốc gia được hưởng tiêu chuẩn MFN. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến các nhà nhập khẩu EU chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang các quốc gia khác để tiết kiệm chi phí.
Hiện các doanh nghiệp nhỏ trong ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn do các nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng và giảm lượng đặt hàng từ Việt Nam.
Các doanh nghiệp với quy nhỏ cũng khó đáp ứng những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội mà các nhà nhập khẩu EU đang ngày càng siết chặt hơn.
Thông thường vào thời điểm này, các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết quý 3 nhưng hiện tại các nhà nhập khẩu chỉ đặt hàng cầm chừng.
Nhiều doanh nghiệp cũng chưa có đơn hàng thực hiện trong quý 2 năm 2012. Đơn hàng từ châu Âu cũng có dấu hiệu giảm sút từ đầu năm nay.
Để xuất khẩu hàng dệt may năm 2012 tiếp tục tăng trưởng, Bộ Công Thương đã khuyến cáo các doanh nghiệp dệt may cần triển khai một số biện pháp giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), tăng sử dụng các nguyên phụ liệu tự nhiên được sản xuất trong nước đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo lao động nghề để bổ sung nguồn nhân lực cho ngành.
Theo Vietnam+
|