Nhóm hàng điện thoại và linh kiện đã bước qua năm đầu tiên xuất siêu và đang tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Nhưng nếu không định vị được vai trò nghiên cứu phát triển từ đội ngũ trong nước, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của sản xuất và lắp ráp đơn thuần.
Theo tổng cục Thống kê, năm 2011 xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam xấp xỉ 6,86 tỉ đôla Mỹ, tăng gần 200% so với năm trước. Mức tăng ấn tượng đó đã đưa mặt hàng này vào top 3 doanh thu xuất khẩu của Việt Nam. Vị trí này càng ấn tượng hơn nếu so sánh với hai ngành dẫn đầu xuất khẩu năm 2011 là dệt may và dầu thô. Dệt may mang về 14 tỉ đôla Mỹ, nhờ dựa vào một quy mô nguồn nhân lực rất lớn – theo hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khoảng 2,5 – 3 triệu lao động. Ngành thứ hai là dầu thô đang dựa vào nguồn tài nguyên vốn rất hữu hạn đã mang về doanh thu xuất khẩu 7,24 tỉ đôla Mỹ.
Từ điểm đến của tiêu thụ
Chưa kể, nếu tính theo quy hoạch ngành công nghiệp điện tử thì các sản phẩm “điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện” sẽ nằm cùng ngành “sản phẩm điện tử – công nghệ thông tin”, thì mức xuất khẩu từ nhóm sản phẩm này năm ngoái đã vượt xa những ngành khác và tiệm cận với ngành dệt may với doanh thu hơn 11 tỉ đôla Mỹ, trong đó “điện thoại và linh kiện” mang về 6,86 tỉ và “điện tử, máy tính và linh kiện” đạt gần 4,2 tỉ.
Hai tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 2,18 tỉ, tăng 25% thì nhóm “sản phẩm điện tử – công nghệ thông tin” đã đạt hơn 2,8 tỉ đôla, trong đó “điện thoại và linh kiện” đạt 1,95 tỉ, tăng 197,3% và “điện tử, máy tính và linh kiện” đạt 856 triệu, tăng hơn 62% so cùng kỳ năm ngoái.
Thành tích trên đã tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế, gia tăng nguồn lao động cũng như tính đa dạng của rổ hàng hoá xuất khẩu. Nhất là lần đầu tiên nhóm hàng này “xuất siêu” sau giai đoạn dài chỉ là thị trường tiêu thụ. Khoảng ba năm nay tổng doanh số tiêu thụ nội địa các mặt hàng ở quy mô khoảng 5 tỉ đôla Mỹ mỗi năm, trong đó điện thoại khoảng 1 tỉ, máy tính khoảng 1 tỉ và hàng điện máy điện tử gia dụng đến 3 tỉ. Một thị trường với dân số trẻ như Việt Nam và khu vực nông thôn mức sống đang còn thấp, sẽ tiếp tục là điểm đến tiêu thụ hấp dẫn đối với các nhà kinh doanh trong rất nhiều năm nữa.
Sang điểm đến của sản xuất
Cho đến nay, chưa có một con số thống kê cụ thể về nguồn lao động trong ngành công nghiệp điện tử, nhưng doanh thu từ xuất khẩu các mặt hàng trên tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh và sẽ trở thành ngành thu hút nhân công hàng đầu của nền kinh tế. Năm 2011, Canon sử dụng 23.000 lao động cho doanh thu 1,6 tỉ đôla Mỹ. Nhà máy sản xuất điện thoại Samsung gần hai năm đã cán mốc xuất khẩu 5 tỉ và tuyển dụng gần 15.000 lao động. Nidec Tosok cũng đang sử dụng hàng chục ngàn người. Hàng loạt những tên tuổi lớn khác đã và sẽ đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam: Fujitsu, Compaq, Intel, Foxconn, Panasonic, Teco, Nissho…
Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng đang làm gia tăng nghịch lý diễn ra ở ngành công nghiệp điện tử Việt Nam – một ngành đã đặt chiến lược phát triển cách nay cả 20 năm. Doanh thu xuất khẩu lớn nhưng đang hưởng giá trị nhỏ bởi dựa chủ yếu vào lực lượng lao động lắp ráp đơn thuần, vốn ở điểm giá trị rất thấp trong chuỗi sản xuất. Thử làm phép so sánh, một nhà máy như Samsung đầu tư 1 tỉ đôla Mỹ để trong thời gian ngắn mang lại doanh thu xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, chiếm đến gần 50% doanh thu của toàn nhóm. Trong khi ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, vốn được ưu đãi về đầu tư, chính sách thuế, đất cũng lên tới con số tỉ đôla Mỹ, nhưng trong suốt 20 năm qua hiện chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp đang kinh doanh với những sản phẩm manh mún và giá trị rất thấp
Tìm giá trị cao hơn?
Mới đây, hãng chip Qualcomm bước đầu cam kết chuyển giao công nghệ cho Viettel với lộ trình hỗ trợ phát triển, đào tạo và nghiên cứu để nhà cung cấp viễn thông này sản xuất điện thoại. Viettel là khách hàng đầu tiên của Qualcomm tại ASEAN, sau các thị trường châu Á có quy mô lớn gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chưa biết khả năng thành công đến đâu nhưng đây có thể là tín hiệu vui nếu căn cứ vào cách đánh giá của Qualcomm: dựa vào kích cỡ thị trường để đánh giá đối tác có lợi thế cạnh tranh trên quy mô. Viettel đang mở rộng mạng viễn thông đến nhiều nước khác, chứ không riêng thị trường Việt Nam. Việt Nam hiện vẫn là thị trường cạnh tranh gay gắt và các nhà cung cấp trong nước chưa đủ mạnh.
Theo ông Vũ Minh Trí, tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương, nếu một công ty Việt Nam mua hàng từ nước ngoài và đặt nhãn hiệu, phải chịu chi phí bản quyền do đối tác trả cho nhà cung cấp công nghệ, nhưng phải chọn cách đó bởi nếu trả chi phí bản quyền cho một quy mô sản xuất nhỏ sẽ rất dễ thất bại, đó là chưa tính về năng lực sản xuất, thiết kế. Viettel hiện đang thực hiện kế hoạch tham vọng bằng cách “thâu tóm” những kỹ sư kinh nghiệm từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu. “Cách này giúp giải quyết những hạn chế của đội ngũ kỹ sư Việt Nam lâu nay là giỏi kỹ thuật và cấu trúc nhưng yếu về nghiên cứu thiết kế bởi chúng ta thiếu ngành công nghiệp thiết kế, vì thế không hưởng được giá trị cao trong chuỗi sản xuất đó”, theo ông Trí.
Làn sóng đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đã khác, các tập đoàn có tầm vóc hơn và không chịu sức ép của các hàng rào kỹ thuật như trước đây. Những nhà máy của họ như một mắt xích kết nối Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà đầu tư không dễ chia sẻ những giá trị cao hơn cho thị trường nội địa, nếu như họ không tìm thấy ở đó cơ hội hoặc lợi nhuận. Những yếu tố này phụ thuộc vào các chính sách nhà nước tạo ra cho môi trường nghiên cứu sản xuất và phát triển công nghệ. Nếu không, sau nhiều năm là thị trường tiêu thụ, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của sản xuất để tận dụng nguồn lao động mà không tiến sâu vào được những phân khúc có giá trị cao hơn của chuỗi công nghiệp này.
Theo SGTT