Ngày 21-3, Ban chỉ đạo 127/T.Ư cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển, hàng cấm, hàng nhập lậu diễn biến ngày càng phức tạp. Theo Ban Chỉ đạo 127/T.Ư, khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh)... là những địa bàn trọng điểm về vận chuyển hàng lậu.
Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2011 tình hình khai thác, chế biến và xuất lậu các loại quặng diễn ra khá phổ biến trên toàn quốc, gây thiệt hại lớn nguồn thu quốc gia. Nguyên nhân cũng do việc cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan ở các địa phương trong khi việc quản lý bị buông lỏng. Các doanh nghiệp khi được cấp giấy phép không đầu tư công nghệ để chế biến sâu xuất khẩu mà tìm mọi cách xuất khẩu thô với thủ đoạn cấu kết với khách hàng nước nước để xuất đi Trung Quốc. Các doanh nghiệp cấu kết với doanh nghiệp vận tải nội địa xuất hóa đơn vận chuyển hàng nội thủy ra Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… nhưng thực chất là vận chuyển đi Trung Quốc tiêu thụ. Một số doanh nghiệp tìm mọi cách mua chuộc cán bộ giám định ở nơi kiểm tra xuất khẩu để xuất khẩu trái phép.
Cũng theo Bộ Công an, việc khai thác than tại các vùng mỏ Quảng Ninh đã được thắt chặt nhưng các đối tượng vẫn lợi dụng việc tiêu thụ than nội địa, xuất khẩu than nhiệt thấp để buôn lậu. Than được xuất bán cho các ngành điện, đạm, xi măng, hóa chất và tiêu dùng dân dụng được đưa về các tỉnh nhưng bị các đối tượng buôn lậu móc rút, sang tải trong quá trình vận chuyển để buôn lậu. Bộ Công an đề xuất Chính phủ nên cân nhắc, xem xét cho dừng hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc có quy định mới nhằm siết chặt quản lý, hạn chế một số mặt hàng.
Theo TPO
|