Đây là nhận định chung được các chuyên gia đưa ra trong hội thảo “Chuỗi cung ứng các ngành dệt may, da giày, điện tử, ô tô – xe máy và các vấn đề đặt ra cho đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam” do Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III giữa Việt Nam – EU (MUTRAP III) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức vào sáng nay, ngày 12-4-2012 tại TP.HCM.
Tham dự hội thảo có ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương; Bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ - Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công thương cùng đại diện các hiệp hội dệt may, da giày…
Ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương phát biểu tại hội thảo.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Chẳng hạn, trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, Việt Nam mới chỉ có khoảng 50 nhà cung cấp phụ tùng có đủ năng lực. Đây là một con số rất thấp nếu đem so sánh với 400 nhà cung cấp của Malaysia và 2.500 nhà cung cấp của Thái Lan. Chính điều này đã hạn chế rất nhiều sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết thêm những mất cân đối trong chuỗi cung ứng của ngành dệt may. Hiện nay, đa số các nguyên phụ liệu ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, nguồn trong nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Chẳng hạn như bông, hàng năm chúng ta cần khoảng 400.000 tấn nhưng trong nước chỉ đáp ứng được 3.000 tấn (chiếm tỷ lệ 0,75%); xơ nhân tạo cần 400.000 tấn nhưng trong nước chỉ đáp ứng được 120.000 tấn (30%); vải sợi cần 6 tỉ mét/ năm nhưng trong nước chỉ đáp ứng được 800 triệu mét, phụ liệu dệt may phải nhập khẩu 70%…. Từ đó dẫn đến các doanh nghiệp may mặc Việt Nam không chủ động khi tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước và thế giới.
Để tham gia vào được các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng không dễ dàng. Các nhà sản xuất lớn trên thế giới đều đã có nhiều nhà cung ứng các sản phẩm cho toàn chuỗi. Tuy nhiên, không phải là không có cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo bà Bình, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng cấp 2, cấp 3 sau đó nâng dần lên.
Ngoài ra, để ngành công nghiệp hỗ trợ có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển và tham gia tích cực hơn nữa vào các chuỗi cung ứng sản xuất, nhiều đại biểu cho rằng nhà nước cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ rõ ràng và cụ thể hơn nữa, chứ không thể chung chung như các chính sách hiện hành.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
THANH LONG