|
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Trần Hiếu, hiện nay, các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu càphê trong nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng ngày càng mất dần thị phần thu mua càphê xuất khẩu, trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chiếm ưu thế.
Ngay từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nơi có sản lượng càphê nhiều nhất nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã mua trên 60% sản lượng càphê của tỉnh.
Ngay trong quý 1 năm 2012 này, các doanh nghiệp thu mua càphê xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ thu mua, xuất khẩu 82.000 tấn, giảm 38.000 tấn so với kế hoạch.
Nhiều doanh nghiệp thu mua càphê xuất khẩu càphê lớn trên địa bàn tỉnh như Công ty càphê Tây Nguyên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xuất nhập khẩu 2-9, Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk... đều không mua được đủ nguồn hàng càphê xuất khẩu theo kế hoạch. Thậm chí, không ít doanh nghiệp thu mua xuất khẩu càphê trong nước còn bị động, vỡ hợp đồng vì không có đủ nguồn hàng giao cho các đối tác theo đúng kế hoạch.
Theo ông Trần Hiếu, nguyên nhân là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có vốn lớn, lãi suất vay USD thấp, trong khi đó, các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu càphê trong nước vốn ít, lãi vay ngân hàng lại quá cao, có lúc cao gấp 6 đến 7 lần so với vốn vay của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngay khi bước vào vụ thu hoạch càphê, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực vốn mạnh đã nâng giá và thông qua các đại lý tổ chức gom hàng ồ ạt.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, thời điểm thu mua rộ càphê ở Đắk Lắk cũng là thời điểm mà các ngân hàng thắt chặt việc cho vay tín dụng, lãi suất tăng cao dẫn đến các doanh nghiệp trong nước không đủ tiền để mua càphê của bà con nông dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Trần Hiếu cũng thừa nhận, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua các đại lý để thu mua càphê sẽ tạo môi trường canh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, qua đó, người dân được hưởng lợi nhiều nhất từ cơ chế giá cạnh tranh.
Ông Trần Hiếu cũng kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế đặc thù về vốn vay để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu càphê trong nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng đủ sức cạnh tranh trong việc thu mua xuất khẩu càphê này.
Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu càphê trên địa bàn tỉnh đều vay vốn của ngân hàng để thu mua, trong lúc đó, tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu càphê chỉ đạt khoảng 0,05%/lần quay vốn (một doanh nghiệp nhiều nhất cũng chỉ đạt 10 lần quay vốn/năm) và lãi suất ngân hàng đang cao nên càng làm cho doanh nghiệp trong nước thêm khó khăn.
Nếu không sớm khắc phục, để tình trạng này kéo dài thì nhiều doanh nghiệp thu mua xuất khẩu càphê trên địa bàn tỉnh dễ rơi vào nguy cơ phá sản vì không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Hiện nay, một số doanh nghiệp thu mua xuất khẩu càphê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã bước đầu liên kết với các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê xây dựng vùng nguyên liệu ổn định nhằm từng bước tạo nguồn hàng càphê nhân chất lượng cao xuất khẩu bền vững.
Theo Vietnam+
|