|
Ngày 6/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt 1,0% đã được duy trì từ tháng 12 năm ngoái.
Đây cũng là mức phí tổn vay mượn của Khu vực đồng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thấp nhất từ trước đến nay cho dù cuộc khủng hoảng nợ công ở liên minh tiền tệ này vẫn diễn biến nghiêm trọng.
ECB cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong Eurozone. Theo đó, Tổng sản phẩm nội khối (GDP) sẽ giảm gần 0,1% trong năm nay, đúng như dự báo cách đây 3 tháng. Tuy nhiên, ECB đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng trong năm tới từ 1,1% xuống 1,0%, đồng thời cảnh báo lạm phát trong khu vực sẽ lên đến 2,4% trong năm nay, cao hơn mức dự báo ban đầu là dưới 2,0%. Theo ECB, tốc độ lạm phát trong khu vực này sẽ chậm lại ở mức 1,6% trong năm 2013.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Anh và Mỹ nhất trí cần phải "lên kế hoạch ngay lập tức" để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công trong Eurozone.
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết trong cuộc điện đàm tối 5/6, ngoài kế hoạch khẩn cấp để dập tắt khủng hoảng nợ công trong liên minh tiền tệ nói trên và khôi phục lòng tin trên thị trường, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barak Obama còn kêu gọi đề ra chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu.
Người đứng đầu chính phủ Anh cho rằng để củng cố sức mạnh của đồng euro, các nước sử dụng đồng tiền này cần hành động kiên quyết, đặc biệt phải thiết lập được "bức tường lửa" hiệu quả để ngăn chặn khủng hoảng nợ công lan rộng; đảm bảo để các ngân hàng được cấp vốn đầy đủ; cho ra đời cơ chế chia sẻ gánh nặng tài chính và ban hành chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ trong toàn khu vực.
Hai nhà lãnh đạo Anh, Mỹ đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Mexicô sau đó trong tháng này để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trước đó cùng ngày, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm bẩy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) đã cùng cam kết tiếp tục giám sát chặt chẽ cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang ngày một nghiêm trọng này tiếp tục gây ảnh hưởng tới các thị trường tài chính toàn cầu.
Lãnh đạo ngành tài chính và ngân hàng G-7 đã "xem xét lại các diễn biến trong nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính và chính sách đối phó đang được cân nhắc, bao gồm tiến triển hướng tới liên minh tài chính và tài khóa ở châu Âu".
Theo Vietnam+
|