Ghi nhận từ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012
Ngày 29/5/2012 vừa qua tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) trong khuôn khổ Hội nghị Giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2012 đã được tổ chức. VBF là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ VIệt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Tại diễn đàn này, Tiểu nhóm Cảng - Vận tải biển (gồm các thành viên là những công ty vận tải biển và vận hành cảng lớn) đã có bản báo cáo và cuộc họp trao đổi với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về một số vấn đề liên quan, đề xuất giải pháp. Đặc phái viên của Vietnamshipper ghi nhận nội dung cuộc họp này. Chủ yếu là các ý kiến của ông Peter Smidt-Nielsen (Tổng giám đốc Maersk Việt Nam), Trưởng Tiểu nhóm Cảng – Vận tải biển và ông Nguyễn Văn Công, thứ trưởng Bộ GTVT.
Dưới đây là trích lượt các ý kiến của ông Peter Smidt-Nielsen và ông Nguyễn Văn Công. Toàn bộ bài viết sẽ được đăng tải trên Vietnam Shipper Số tháng –7/2012, phát hành ngày 06/07/2012.
Vấn đề I: Hoạt động nạo vét ở cảng Hải Phòng và cảng Thị Vải – Cái Mép
Ông Peter Smidt-Nielsen:
(a) Đường dẫn vào cảng Hải Phòng cần được nạo vét, bảo dưỡng thường xuyên theo độ sâu quy định trong quy hoạch tổng thể để tàu bè có thể ra vào theo như quy hoạch tổng thể; nếu không các nhà xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng do hàng hóa không lưu thông được.
(b) Hiện nay, đường dẫn vào cảng Thị Vải - Cái Mép có thể đáp ứng độ sâu luồng 14 mét, tức là sâu hơn đáng kể so với các cảng khác của Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai, để các cảng của Việt Nam (cụ thể là cảng Cái Mép) đáp ứng được những tàu lớn nhất thì cần nạo vét độ sâu tới 16 mét để mọi loại tàu cỡ này có thể vào ra cảng của Việt Nam
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công:
Hoạt động nạo vét ở cảng Hải Phòng
- Luồng Hải Phòng là luồng hàng hải huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nên cảng Hải Phòng nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng và Chính phủ. Nhằm duy trì chuẩn tắc thiết kế luồng lâu dài, Bộ GTVT đã giao cho Cục HHVN xây dựng đề án cơ chế đặc thù thực hiện nạo vét luồng, duy tu hàng hải theo chỉ đạo của TTCP và phải trình lên Bộ trong tháng 7/2012.
Hoạt động nạo vét luồng Mép Cái - Thị Vải
- Theo quy định chi tiết của nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 1745/QĐ-BGTVT ngày 03/08/2011, các bến cảng khu vực Cái Mép-Thị
Vải đã được quy hoạch phát triển cho cỡ tàu trọng tải 80,000-100,000 tấn và tiếp tục nghiên cứu cho các tàu có trọng tải lớn hơn 100,000 tấn. Căn cứ vào kết quả đề án, Chính phủ Việt Nam và Bộ GTVT sẽ quyết định thời điểm và lộ trình đầu tư luồng. Ngoài ra, Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư và các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm phối hợp với Chính phủ và Bộ GTVT để đầu tư triển khai dự án nạo vét này.
Vấn đề II: Giao thông trung chuyển container quốc tế và vỏ container (container rỗng) giữa các cảng của Việt Nam:
Ông Peter Smidt-Nielsen:
Chúng tôi lo ngại rằng Việt Nam đang bỏ lỡ một cơ hội tạo nguồn thu từ hàng hóa trung chuyển của tàu nước ngoài, mà chủ yếu là ở cảng Thị Vải – Cái Mép. Chúng tôi muốn được đối thoại về vấn đề này vì tình hình hiện nay không có lợi cho bất cứ ai ngoài các cảng lớn khác bên ngoài Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công:
Thực tế, đến ngày 16/4/2012, để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và trong một số lĩnh vực đội tàu Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu, Bộ GTVT đã cấp phép cho khá nhiều đội tàu nước ngoài vận chuyển hàng nội địa, cả container rỗng và có hàng.
Vấn đề III: Lệ phí cảng đối với tàu dưới 50.000 DWT cập cảng Thị Vải – Cái Mép và các cảng Việt Nam khác
Ông Peter Smidt-Nielsen:
Cảng Thị Vải – Cái Mép có sức cạnh tranh thấp xét về lệ phí cảng (phí hoa tiêu, neo đậu, dẫn tàu, tải trọng) đối với tàu có trọng tải dưới 50.000 DWT so với các cảng lớn khác trong khu vực mặc dù cảng Thị Vải – Cái Mép là cảng có khả năng và vị trí địa lý lý tưởng để thu hút hàng hóa trung chuyển.
Vì vậy, chúng tôi xin đề nghị cần xem xét nghiêm túc tính cạnh tranh của lệ phí cảng ở các cảng Việt Nam nhằm thu hút hàng hóa trung chuyển từ các cảng Đông Nam Á khác.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công:
Theo quy định hiện hành của nhà nước Việt Nam, nhà nước chỉ quản lý về phí và lệ phí hàng hải, giá dịch vụ cảng biển do doanh nghiệp tự công bố và thực hiện theo các pháp lệnh về giá và văn bản liên quan.
- Hiện Bộ GTVT đang dự thảo và trình BTC chuẩn bị ban hành một thông tư mới dự kiến giảm 50% mức phí thu cơ sở cho các tàu chuyên chở container không phân biệt dung tích và trọng tải cập bến trong thời gian ưu đãi 3 năm. Đây sẽ là ưu đãi lớn của nhà nước Việt Nam đối với định hướng phát triển quy hoạch cảng Cái Mép – Thị Vải thành cụm cảng trung chuyển và làm hàng container lớn nhất Việt Nam
Vấn đề IV: Giấy phép chính thức cho các tàu lớn (trọng tải lớn hơn 80.000 DWT) cập cảng Thị Vải Cái Mép
Ông Peter Smidt-Neilsen
Chúng tôi xin được đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải có một quyết định nhanh và dứt khoát về vấn đề cấp giấy phép chính thức cho thấy tàu lớn vào ra cảng Thị Vải – Cái Mép sau hơn 2 năm hoạt động thí điểm
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công
Từ tháng 3/2012, Cục HHVN đã trình phương án đảm bảo an toàn hàng hải cho các tàu trên 80,000 tấn vào cảng Cái Mép – Thị Vải. Bộ GTVT đã nhận được đề án này và có văn bản yêu cầu Cục HHVN tổng kết kết quả thực hiện thí điểm vừa rồi. Sau khi có kết quả tổng kết, Bộ sẽ xem xét và trình các cấp có thẩm quyền, sau đó sẽ quyết định chính thức cấp phép cho tàu 80,000 tấn vào cảng mà không cần phải nạo vét luồng hay không.
KHẢI MINH CHÍNH (ghi)