Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2012 đạt hơn 2,9 tỷ USD. Dù kim ngạch có tăng nhưng điều nghịch lý là hàng loạt doanh nghiệp (DN) thủy sản đang lâm vào cảnh khốn đốn; ước tính đã có khoảng 330 DN thủy sản ngừng xuất khẩu do thua lỗ, làm ăn không hiệu quả. Hỗ trợ các DN thủy sản ổn định sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu từ nay đến cuối năm nhằm đạt chỉ tiêu đề ra, duy trì việc làm cho hàng chục ngàn công nhân, góp phần ổn định an sinh xã hội là vấn đề cấp bách đặt ra.
Nỗ lực tồn tại
Sau thời gian giảm giá thê thảm ở mức 18.000 - 19.000 đồng/kg, chiều 15-7, giá cá tra nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL đã tăng lên, đạt 22.000 - 22.500 đồng/kg. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy nghề cá đang dần hồi phục.
Ông Mai Đăng Hòa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Saigon-Mekong, cho biết, giá cá tăng trở lại không chỉ người nuôi mừng mà nhiều DN cũng nhẹ nhõm, bởi nông dân giảm lỗ thì họ mới dám đầu tư để tiếp tục nuôi cá và DN sẽ có nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Ông Hòa thừa nhận, chưa bao giờ các DN thủy sản lâm vào tình cảnh khó như năm nay khi vừa thiếu vốn hoạt động, thiếu nguyên liệu chế biến, giá xuất khẩu giảm, thị trường thu hẹp...
Để vượt qua thách thức, Công ty Saigon-Mekong áp dụng nhiều giải pháp hạ giá thành, cắt giảm những khâu không cần thiết, tăng cường chế biến sản phẩm chất lượng cao nhằm tăng sức cạnh tranh - giữ vững thương hiệu đối với nhà nhập khẩu và người tiêu dùng thế giới.
Nhờ đó mà 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Công ty Saigon-Mekong đạt hơn 9 triệu USD; dự kiến cả năm đạt 20 triệu USD, tăng 20% so năm 2011. Hiện công ty ổn định sản lượng chế biến cá tra 60 - 70 tấn/ngày và có kế hoạch tăng thêm công suất trong thời gian tới.
Cũng gồng mình vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), tâm sự: Mỗi DN phải tự thân cứu mình chứ không thể ngồi chờ hay than vãn mãi được. Nỗ lực của Gò Đàng trong thời gian qua là mạnh dạn đầu tư trên 500 tỷ đồng xây dựng vùng nuôi cá tra nguyên liệu rộng 120ha, sản lượng 25.000 tấn/năm, đáp ứng hơn 90% nhu cầu chế biến nhà máy. Việc ổn định nguồn nguyên liệu đã giúp Gò Đàng chủ động trong việc ký hợp đồng với đối tác về giá cả, thời gian giao hàng…
Do đó chỉ qua 6 tháng đầu năm, Gò Đàng xuất hơn 20 triệu USD, đạt 50% kế hoạch năm. Và chỉ tiêu xuất 40 triệu USD thủy sản trong năm 2012, nhiều khả năng sẽ vượt bởi những tháng cuối năm là “mùa” của xuất khẩu thủy sản.
Vẫn phải chờ nguồn vốn
Bộ NN-PTNT nhìn nhận, xuất khẩu thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chung của toàn ngành nông nghiệp. Ngoài việc đem về nguồn ngoại tệ lớn thì xuất khẩu thủy sản còn tạo việc làm cho rất nhiều công nhân tham gia chế biến; nhiều nông dân nuôi tôm, cá... Vì vậy, bằng mọi cách phải trợ lực hết sức cho xuất khẩu thủy sản lấy lại vị thế và tăng tốc vào những tháng cuối năm.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ gói tín dụng 9.000 tỷ đồng để cứu DN và người nuôi cá tra. Đối với con tôm, diện tích thiệt hại từ đầu năm đến nay khoảng 40.000ha, mất trắng hơn 5.500 tỷ đồng. Song, các địa phương cho biết số thiệt hại thực tế lớn hơn rất nhiều, hiện DN và người nuôi tôm rất cần hỗ trợ khẩn cấp.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, có 70% - 80% DN thủy sản lệ thuộc gần như 100% vào vốn vay ngân hàng, trong đó nhiều DN đang “hấp hối”. Vì vậy, việc hỗ trợ cứu DN thủy sản và người nuôi cần phải làm ngay thời điểm này, càng để lâu sẽ càng bất lợi. VASEP cho biết, đã phân loại các DN thủy sản theo từng nhóm khác nhau như hoạt động hiệu quả - có lời; DN đang thiếu vốn; DN thua lỗ… nhằm có cơ chế hỗ trợ thích hợp cho từng đối tượng.
Tuy nhiên, đến nay nhiều DN xuất khẩu thủy sản tiếp tục kêu khó. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Mai Đăng Hòa cho rằng DN thủy sản đang chờ gói hỗ trợ như “khát nước”. Bởi không có vốn, không được khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu… thì DN không thể hoạt động; nhất là từ nay đến cuối năm là thời điểm tăng tốc về đích. Hiện tại các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống mức 13% - 15%, nhưng rất nhiều DN không thể tiếp cận được nguồn vốn, cuối cùng đành bó tay do không chủ động được chế biến, xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng trăn trở khi tới nay việc hỗ trợ DN và người nuôi thủy sản vẫn chưa thể triển khai. Trong khi Cà Mau là địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm với chỉ tiêu năm 2012 đạt hơn 1 tỷ USD. Cái khó là nhiều DN chế biến và người nuôi tôm đang thiếu vốn trầm trọng, rất khó tiếp cận được ngân hàng.
Nỗ lực của UBND tỉnh Cà Mau trong những ngày qua là hỗ trợ chi phí về gian hàng, vé máy bay… cho các DN tham dự những hội chợ thủy sản trong và ngoài nước. Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho công nhân, tạo điều kiện đẩy mạnh diện tích nuôi tôm nhằm tăng nguồn nguyên liệu cung ứng cho nhà máy. Cà Mau vừa thành lập tổ công tác, trực tiếp đến từng DN thủy sản nắm cụ thể tình hình hoạt động, để có cơ chế hỗ trợ hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch Dương Tiến Dũng khẳng định, xuất khẩu thủy sản là thế mạnh của tỉnh, do đó Cà Mau sẽ làm hết sức mình để cùng DN vượt khó. Vấn đề quan trọng lúc này vẫn là nguồn vốn. Đây là trở ngại lớn trong việc tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững.
Theo SGGP