|
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam hôm nay 30-5 cho biết, cá ngừ hiện đang là sản phẩm được ưa chuộng tại Hà Lan và là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm thủy sản tương tự sang thị trường này.
Ngoài sản lượng tự khai thác, năm 2011 Hà Lan nhập khẩu (NK) khoảng hơn 900 nghìn tấn cá ngừ, trị giá 4,5 triệu euro, trở thành nhà nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 8 trong khối EU, chiếm khoảng 0,5% tổng khối lượng NK của EU, xếp trên Ba Lan (0,4%) và dưới Đức (0,6%). Những năm gần đây, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho tình hình NK cá ngừ của Hà Lan ngày càng xấu đi. Năm 2011, mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục nhưng NK cá ngừ vào thị trường này vẫn giảm khoảng 13%. Nguyên nhân chính là do nguồn cung cá ngừ ngày càng giảm, cộng với giá cá ngừ nguyên liệu ngày càng cao.
Năm 2010, Hà Lan trở thành nhà NK lớn thứ 8 về sản phẩm cá ngừ từ các nước đang phát triển khi NK tới 478 nghìn tấn cá ngừ tương đương 2,2 triệu euroo từ các nước này, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng cá ngừ NK vào Hà Lan, tuy thấp hơn lượng NK cá ngừ trung bình của các nước EU khác (67%)...Từ năm 2005 tới nay, khối lượng NK cá ngừ từ các nước đang phát triển vào Hà Lan giảm trung bình 16% mỗi năm và hiện được NK chủ yếu từ Mexico (18%), Việt Nam (13%), Costa Rica (7,2%), Indonesia (3,8%), Morocco (2,7%) và Panama (2,5%). Tuy nhiên, thị phần XK cá ngừ của các nước này sang Hà Lan đã có sự thay đổi nhanh chóng trong những năm gần đây. NK cá ngừ của Hà Lan từ Việt Nam trung bình mỗi năm tăng 64%, từ Morocco tăng 24%, trong khi từ Indonesia lại giảm 44%, từ Panama giảm 9,3%... Đáng lưu ý là sản phẩm cá ngừ của một số nước đã hoàn toàn "biến" khỏi thị trường Hà Lan, trong đó có Thái Lan. Nguyên nhân thay đổi thị phần này là do hạn chế nguồn cung cá ngừ trên thế giới và sản lượng khai thác bị giới hạn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hà Lan là một thị trường XK thủy sản quan trọng bởi nước này tái xuất hơn 80% khối lượng cá ngừ NK sang các nước khác, chủ yếu gồm Slovenia (14%), Tây Ban Nha (10%), Serbia (9,2%), Anh (9,1%), và Italy (8,2%). Vì vậy, XK cá ngừ sang thị trường này cũng sẽ là cơ hội để mở rộng XK sang các thị trường khác.
Trong số các sản phẩm cá ngừ XK, nhóm sản phẩm cá ngừ mã HS 0304 chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Hà Lan và vẫn tiếp tục tăng. Năm 2011, giá trị XK cá ngừ mã HS 0304 sang thị trường này đạt 4,323 triệu USD, chiếm hơn 75%, tiếp đến là cá ngừ đóng hộp mã HS 16 đạt 1,112 triệu USD (chiếm 19,4%), cá ngừ tươi/đông lạnh mã HS 03 (trừ mã HS 0304) đạt 286.461 USD.
Hai năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ được khai thác bền vững tại thị trường Hà Lan đang tăng. Từ tháng 4-2009 đến tháng 3-2010, Hà Lan tiêu thụ hơn 47 tấn cá ngừ có chứng nhận khai thác bền vững của Hội đồng Quản lý biển (MSC), tương đương 490 nghìn euroo. Nguồn cung cá ngừ có chứng nhận khai thác bền vững cho thị trường này đang ngày càng thiếu. Do đó, Hà Lan được trông đợi là thị trường tiêu thụ tốt đối với sản phẩm cá ngừ có chứng nhận khai thác bền vững. Người tiêu dùng ở Hà Lan cũng giống như ở các nước EU khác ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề xã hội và môi trường liên quan tới sản phẩm thủy sản. Theo số liệu khảo sát, 80% người Hà Lan thích mua thủy sản được khai thác bền vững. Họ sẵn sàng trả giá cao, tuy điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế của đất nước.
Giá trung bình cá ngừ đông lạnh NK vào Hà Lan là 4,72 euroo/kg. Từ năm 2005 tới năm 2011, giá tăng trung bình 0,6% mỗi năm. Giá trung bình cá ngừ NK từ các nước đang phát triển khoảng 5,64 euro/kg, tăng 49% mỗi năm, trong khi giá trung bình cá ngừ NK vào EU là 2,8 euro/kg. Phần lớn cá ngừ NK vào Hà Lan có giá khá đắt vì là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, các nước lớn về NK cá ngừ như Tây Ban Nha và Pháp lại NK cá ngừ chưa chế biến có giá rẻ hơn để về chế biến trong nước. Giá cá ngừ được khai thác bền vững cũng tăng tương tự như cá ngừ khai thác truyền thống.Theo đánh giá của các chuyên gia Trung tâm Hỗ trợ NK từ các nước đang phát triển (CBI), tính bền vững sẽ ngày càng quan trọng hơn trong những năm tới. Đồng thời các nhà NK cá ngừ của Hà Lan cũng chú ý tới mùa vụ khai thác cá ngừ tự nhiên và tìm kiếm các sản phẩm thủy sản khác thay thế.
Như vậy có thể thấy, chứng nhận MSC sẽ là một yêu cầu của nhà NK đối với các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội đẩy mạnh XK các sản phẩm cá ngừ có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm thủy sản tương tự sang thị trường này.
Theo Báo Nhân Dân
|