Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2011 và 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu (XK) tôm Ấn Độ sang thị trường Nhật Bản đã có sự gia tăng nhanh chóng. Bên cạnh đó, những lợi thế của ngành tôm Ấn Độ so với Việt Nam đã khiến quốc gia này trở thành đối thủ nặng ký của ngành tôm Việt Nam, nhất là tại thị trường chính Nhật Bản.
VASEP cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong 6 tháng dầu năm 2012 tương đối thuận lợi. Trong giai đoạn này chỉ có duy nhất tháng 1 chứng kiến cảnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm, các tháng còn lại đều tăng trưởng 2 con số. Chính vì vậy, Nhật Bản được nhiều doanh nghiệp xác định là "lối thoát" duy nhất trong bối cảnh hiện nay do nhu cầu tại các thị trường khác như: Mỹ, EU, Trung Quốc đều không ổn định.
Tuy nhiên, tôm Việt Nam tại thị trường Nhật Bản đang phải cạnh tranh gay gắt với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ với nhiều lợi thế nghiêng về quốc gia này. Đầu tiên là giá tôm, diễn biến giá tôm trên thị trường Nhật Bản 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy, giá tôm sú HLSO Việt Nam cỡ 16/20 dao động từ 23 – 27 USD/block 1,8kg, luôn cao hơn so với giá tôm cùng cỡ của Ấn Độ là từ 21 – 22,5 USD/block 1,8kg.
Việc Ấn Độ đã nới lỏng quy định hạn chế nhập khẩu tôm chân trắng bố mẹ trong thời gian gần đây cũng sẽ giúp sản xuất tôm chân trắng của Ấn Độ tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2012, Ấn Độ dự định sản xuất nhiều cỡ tôm khác nhau theo nhu cầu thị trường, trong đó tôm chân trắng sẽ chiếm tới 70% sản lượng tôm của Ấn Độ. Việt Nam cũng đã mở rộng nuôi tôm chân trắng, tuy nhiên sản xuất tôm chân trắng của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao dẫn tới nguồn cung bất ổn.
Trong 5 tháng đầu năm nay, Ấn Độ là quốc gia duy nhất có mức tănt trưởng XK trên 2 con số với 27,9% trong số 5 nước cung cấp tôm nhiều nhất cho thị trường Nhật Bản là Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc (chiếm trên 79% tổng nguồn cung tôm cho Nhật Bản). XK tôm Thái Lan sang Nhật Bản trong giai đoạn này giảm 5,1%, Trung Quốc giảm 11,5%, Việt Nam chỉ tăng 3,6% và Indonesia tăng 1,3%.
Bên cạnh đó, chất lượng tôm Ấn Độ xuất khẩu sang Nhật Bản cũng được đánh giá khá tốt khi trong 6 tháng đầu năm 2012, Ấn Độ chỉ có 2 lô tôm bị Hệ thống Cảnh báo thực phẩm nhập khẩu không đạt chất lượng của Nhật Bản cảnh báo dư lượng AOZ, trong khi Việt Nam có tới 36 lô tôm bị cảnh báo chỉ tiêu này.
Theo thuongmai.vn