|
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực chưa phục hồi, nhưng hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng 17,5%.
DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI LÀ "ĐẦU TÀU"
Theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá và cao hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 9-2012, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (trừ dầu khí) đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt gần 328 triệu USD, chiếm 19,45% kim ngạch xuất khẩu; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 1,4 tỷ USD, chiếm 80,55%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao, nhất là nhóm hàng công nghiệp, với 1,382 tỷ USD, tăng 21,45%. Trong đó, có 2 mặt hàng tăng cả về đơn giá và sản lượng là tháp gió và may mặc. 2 mặt hàng tăng về sản lượng nhưng lại giảm về đơn giá là giày da và dầu thực vật. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP may xuất khẩu Vũng Tàu cho biết: Trong giai đoạn khó khăn, công ty phải tìm những biện pháp khắc phục. Công ty hạn chế mở rộng thị trường mới mà tập trung chăm sóc khách hàng truyền thống, giao hàng đúng hẹn, giữ giá cả hợp lý, đồng thời tìm mọi biện pháp giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó hoạt động xuất khẩu của công ty vẫn ổn định.
Ngành chế biến hải sản chịu tác động bất lợi lớn từ nhiều phía trong năm qua, từ việc thiếu nguyên liệu, giá đầu vào tăng cao, tàu thuyền nằm bờ... nhưng các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản vẫn cố gắng duy trì sản xuất, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động và giữ vững khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động nhập khẩu nguồn nguyên liệu ngay từ đầu năm nên sản lượng chế biến vẫn đạt cao như: Công ty cổ phần Hải Việt, Công ty CP chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh (Baseafood)... Kết quả, 9 tháng đầu năm nhóm hàng thủy sản xuất khẩu đạt gần 246 triệu USD, tăng hơn 6%. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood cho biết: 9 tháng đầu năm nay, Baseafood đã xuất khẩu được hơn 6.000 tấn thành phẩm tôm, cá, mực các loại, tổng kim ngạch đạt gần 25 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm này, Baseafood đạt 90% kế hoạch năm. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2012, Baseafood vượt khoảng 15-20% kế hoạch. Ông Trần Văn Dũng, cho biết thêm: Baseafood đang đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng tinh chế, nâng giá trị gia tăng sản phẩm, nhờ vậy sản lượng hàng xuất khẩu tuy giảm nhưng kim ngạch tăng. Các mặt hàng giá trị gia tăng như: seafood mix (từ mực, bạch tuộc, tôm), hàng đông lạnh (mực nút nguyên con làm sạch, mực ống nguyên con làm sạch, mực nang sashimi, râu bạch tuộc cắt, bạch tuộc, surimi, cá lưỡi trâu dán bột, cá trích tẩm cốm), hàng khô (cá chỉ vàng fillet, cá đổng, cá trích)... được ưa chuộng tại thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
TÍCH CỰC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Ông Đỗ Vân Long, Phó giám đốc Sở Công thương nhận xét, mặc dù trong bối cảnh kinh tế đầy khó khăn, giá cả có xu hướng sụt giảm nhưng với chiến lược phát triển tốt của các doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ của địa phương, khả năng hoạt động xuất khẩu sẽ vượt kế hoạch. Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu, trong thời gian qua ngành Công thương cũng đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến đầu tư các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực. Đầu tháng 10 vừa qua, nhiều đoàn xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư của tỉnh gồm các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu thủy sản, nông sản, dịch vụ- thương mại đã đến làm việc tại thành phố Pohang và Incheon Hàn Quốc và thị trường Campuchia nhằm tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ vào các thị trường này, đồng thời thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và các địa phương trên.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp phát triển bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của địa phương, thì mọi cơ chế, chính sách của Nhà nước đều phải nhất quán và ít thay đổi để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, để phát huy tác dụng của lãi suất thấp, khuyến khích doanh nghiệp vay vốn để tái sản xuất, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ khác (giảm thuế VAT) để góp phần hạ giá thành, tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp, tăng sức mua trên thị trường. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét việc điều hành giá xăng dầu sao cho cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước- doanh nghiệp và người tiêu dùng để nhằm hạn chế sự tăng giá mạnh của các mặt hàng khác.
Theo thuongmai.vn
|