|
Tại Hội thảo về hỗ trợ hội viên thích ứng với khủng hoảng kinh tế 2012 do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/12, đại diện một số doanh nghiệp thủy sản cho biết, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và nhất là thiếu vốn sản xuất, năm 2012, nhiều đơn vị trong ngành không đạt chỉ tiêu sản xuất, xuất khẩu.
Ông Lâm Ngọc Hải, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy hải sản Sài Gòn-Mekong, cho biết từ đầu năm tới nay do thiếu vốn để mua nguyên liệu nên sản lượng xuất khẩu các mặt hàng cá tra-ba sa của công ty đang giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2011.
Hiện công ty này đang có rất nhiều đơn hàng cho những ngày cuối năm 2012 và quý 1/2013, nhưng vì không đủ vốn mua nguyên liệu nên chỉ nhận những đơn hàng vừa phải mà không thể ký các hợp đồng lớn.
Đặc biệt, năm 2012 do các thị trường nhập khẩu ở châu Âu áp dụng các yêu cầu khắt khe về chất lượng nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam tập trung xuất qua thị trường Mỹ khiến cho việc cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Vì vậy, giá xuất khẩu mặt hàng cá tra sang Mỹ liên tục phải giảm xuống đến mức thấp nhất khiến các doanh nghiệp đã khó càng khó hơn, theo ông Hải lúc này doanh nghiệp nào có đơn hàng thì may mắn cũng chỉ lãi chút ít hoặc hòa vốn, nếu không tính toán kỹ, quản lý không tốt gây phát sinh nhiều chi phí thì có thể sẽ lỗ.
Tương tự ý kiến của ông Lâm Ngọc Hải, bà Nguyễn Thị Hồng Anh (Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long) cũng cho biết, do những khó khăn về thiếu nguyên liệu đầu vào, cộng với những rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu và đặc biệt là thiếu vốn để mua nguyên liệu hạn chế nên đến thời điểm hiện nay sản lượng tôm xuất khẩu của doanh nghiệp đã giảm khoảng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Anh cho biết thêm, hiện doanh nghiệp vẫn có thể vay vốn được từ các ngân hàng với mức lãi suất 11%/năm, tuy nhiên mức này vẫn còn cao để doanh nghiệp có thể làm ăn sinh lãi trong điều kiện hiện nay.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết tháng 9/2012, doanh số cho vay để nuôi, thu mua và chế biến cá tra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 38.200 tỷ đồng và dư nợ cho vay thu mua, chế biến cá tra là hơn 20.700 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2011). Tuy nhiên, ông Lâm Ngọc Hải cho biết, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy hải sản Sài Gòn-Mekong mới chỉ nghe nói về số tiền này chứ chưa hề tiếp cận được.
Cũng trong một cuộc họp của ngành thủy sản mới đây, ông Dương Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương cho rằng, cần phải xem lại những con số này vì thực tế số doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra không nhiều như thế, hiện chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp vừa sản xuất vừa chế biến, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn này.
Để giúp các doanh nghiệp hội viên vượt qua khó khăn, cuối tháng 11 vừa qua, VASEP đã tiếp tục có công văn kiến nghị Chính phủ nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra.
Trong đó, VASEP kiến nghị Chính phủ đưa cá tra vào ngành sản xuất, xuất khẩu đặc thù và có điều kiện; giãn nợ và cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp cá tra thực sự có năng lực sản xuất và xuất khẩu để họ có thể tiếp tục vay vốn duy trì sản xuất kinh doanh; nên chuyển đổi vốn vay ngắn hạn đã sử dụng đầu tư vào nuôi cá tra sang trung hạn, tăng phân bổ cho vay trung hạn để các doanh nghiệp ngành cá vượt qua khủng hoảng.
Theo Vietnam+
|