Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), từ tháng 11, mặt hàng tôm xuất khẩu sang thị trường Nhật đang có dấu hiệu phục hồi sau 4 tháng trước đó liên tục giảm.
Từ giữa tháng 5.2012, sau khi Nhật Bản có quyết định kiểm tra Ethoxyquin trong tôm của Việt Nam, tình hình xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng liên tiếp trong các tháng 8, 9 và 10. Riêng tháng 8 giảm mạnh nhất đến 16,6%. Tuy nhiên, Nhật là thị trường quan trọng nhất, chiếm tới 27,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Để giải quyết khó khăn này, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải tăng cường hoạt động kiểm nghiệm kháng sinh.
Được biết, mỗi lô hàng tôm đang được cả DN và đại diện nhà nhập khẩu kiểm nghiệm kháng sinh ít nhất 6 lần bao gồm: kiểm tôm dưới ao trước khi thu hoạch, kiểm tôm nguyên liệu khi về đến nhà máy chế biến, kiểm bán thành phẩm trên dây chuyền sản xuất, kiểm thành phẩm tại phòng kiểm nghiệm của DN (tự kiểm), kiểm thành phẩm gửi NAFIQAD (dạng dịch vụ), kiểm thành phẩm (kiểm cảm quan) bởi đại diện nhà nhập khẩu. Một DN thủy sản quy mô vừa và nhỏ phải chi từ 5 - 10 tỉ đồng cho hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Sau nhiều nỗ lực như đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu nuôi theo phương thức quảng canh, hoặc nhập khẩu tôm không nhiễm Ethoxyquin từ nước ngoài về chế biến, tính đến ngày 15.11, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 537 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, vướng mắc về Ethoxyquin có thể làm cho ngành tôm Việt Nam mất dần thị phần tại thị trường Nhật Bản vào tay các đối thủ cạnh tranh như: Thái Lan, Indonesia.
Do đó, các ngành chức năng cần có sự quản lý, kiểm soát và hướng dẫn người nuôi không dùng thức ăn có sử dụng chất này.
Theo TNO