Trước thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo khởi xướng và điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, các chuyên gia luật cho hay cơ quan chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp cần nhanh chóng thu thập chứng cứ để đối phó với vụ kiện khó khăn này.
“Một cổ hai tròng”
Thường tư vấn cho doanh nghiệp thủy sản trong vụ kiện chống bán phá giá (CBPG), luật sư Ngô Quang Thụy tại Công ty Luật NT Trade Law cho hay, tuy mục đích khác nhau nhưng quy trình điều tra vụ kiện chống trợ cấp tương tự kiện CBPG.
Theo đó, DOC sẽ dựa vào số liệu của hải quan Mỹ để chọn ra 2-3 doanh nghiệp lớn, xuất khẩu vào Mỹ nhiều nhất làm bị đơn bắt buộc để tiến hành điều tra.
Trước đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ tổ chức một buổi điều trần với sự tham gia của nguyên đơn và bị đơn. Tại buổi điều trần này, ITC sẽ có quyết định sơ bộ về việc tôm nhập khẩu có gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nội địa của Mỹ hay không.
Luật sư Thụy cho hay, trường hợp xấu nhất là doanh nghiệp Việt Nam thua kiện, ITC sẽ lấy mức thuế bình quân của doanh nghiệp bị điều tra áp cho xuất khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ.
Như vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ “một cổ hai tròng” khi vừa chịu thuế CBPG, vừa phải gánh thêm thuế chống trợ cấp.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cafatex, cho biết xuất khẩu tôm năm 2013 sang Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng sau khi DOC ra thông báo điều tra vụ việc.
“Bởi trong quá trình điều tra, xét xử vụ kiện, một số doanh nghiệp nhập khẩu lo sợ mức thuế sẽ còn tăng nên nhát tay khi mua hàng của Việt Nam”, ông Kịch nói.
Trong thông cáo báo chí mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho rằng việc DOC khởi xướng điều tra vụ kiện sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, người làm trong lĩnh vực tôm.
Sợ “tự biên tự diễn”
Từng tham gia trực tiếp trong vụ kiện CBPG tôm trước đây, điều ông Kịch lo ngại nhất trong vụ kiện chống trợ cấp lần này là Mỹ vừa là phía khởi xướng vụ kiện những cũng chính Mỹ - ở đây là tổ chức ITC và DOC - là cơ quan quyết định mức thuế mà tôm Việt Nam phải chịu.
“Phiên điều trần kiện chống bán phá giá tôm vào năm 2004 của ITC mà tôi tham dự hết sức căng thẳng khi luật sư của hai bên đều đưa ra lý do để bảo vệ cho thân chủ của mình. Tuy nhiên kết quả của ITC lại nghiêng về doanh nghiệp sản xuất Mỹ”, ông Kịch nhớ lại.
|
|
Tốn cả triệu USD thuê luật sư bào chữa
Giám đốc một doanh nghiệp thủy sản (xin giấu tên) cho hay chi phí thuê luật sư theo đuổi vụ kiện chống trợ cấp rất lớn.
Chỉ riêng chi phí bào chữa từ đây cho đến phiên điều trần của ITC, phía công ty luật nước ngoài bảo vệ cho doanh nghiệp thủy sản đưa ra giá hơn 80.000 USD.
Với giá này, hơn 20 doanh nghiệp nằm trong tầm ngắm “bị đơn bắt buộc” thì mỗi doanh nghiệp sẽ phải đóng khoảng 3.000-4.000 USD.
“Chi phí luật sư cho vụ kiện chống bán phá giá trước đây đã lên tới con số cả triệu USD. Hiện số tiền này chưa dừng lại bởi vụ kiện vẫn còn tiếp tục”, vị giám đốc này tiết lộ. |
|
|
Ngoài ra, ông Kịch còn cho rằng vụ kiện chống trợ cấp lần này diễn ra trong bối cảnh không có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Bởi hiện Mỹ đang chủ trương bảo vệ sản xuất trong nước để tạo ra việc làm cho người Mỹ và gia tăng xuất khẩu.
Luật sư Ngô Quang Thụy cũng đồng tình việc khởi xướng điều tra của DOC nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước.
Ở góc độ khác, GS-TS Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng cho hay động thái của DOC là chuyện bình thường. Chính phủ Mỹ phải có nhiệm vụ đảm bảo môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
“Nhiệm vụ ở đây là xem xét liệu doanh nghiệp nước ngoài có thực sự độc lập và không nhận được biện pháp trợ cấp từ chính phủ để cạnh tranh một cách lành mạnh với doanh nghiệp Mỹ hay không?”, ông Nam phân tích.
Vai trò từ Chính phủ
Lo ngại vụ kiện chống trợ cấp sẽ có diễn biến không tốt cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Vân Nam cho hay phương án cần tính tới là doanh nghiệp Việt Nam cần thương lượng trước với bên đi kiện, ở đây là Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ (COGSI), chứ không đưa vụ việc này ra tòa.
Ông Kịch cũng đồng tình việc thương lượng là phương án tốt. Tuy nhiên, nếu chấp nhận phương án này, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ phải chấp nhận một số điều kiện mà doanh nghiệp Mỹ đưa ra.
"Điều kiện ở đây là doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải chấp nhận giảm lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ", luật sư Thụy nói.
Luật sư Thụy cho hay trong vụ kiện chống trợ cấp trên, COGSI cáo buộc việc tôm Việt Nam bán vào Mỹ với giá rẻ là do nhận được một số trợ cấp từ phía Chính phủ Việt Nam.
Do đó, Chính phủ Việt Nam sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự thành bại của doanh nghiệp Việt Nam trong vụ kiện.
Luật sư Thụy đưa ra ví dụ trong vụ kiện chống trợ cấp đối với ống thép Việt Nam xuất sang Mỹ, Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp đã đưa ra những luận điểm thuyết phục chứng minh không hề trợ cấp cho doanh nghiệp khiến ITC không áp thuế chống trợ cấp đối với ống thép Việt Nam.
“Cục Quản lý cạnh tranh nên nhanh chóng rà soát liệu doanh nghiệp tôm có được trợ cấp như nguyên đơn phản ánh hay không. Trong trường hợp không được trợ cấp thì Việt Nam nên quyết liệt theo đuổi vụ kiện, hợp tác chặt chẽ với DOC để chứng minh doanh nghiệp mình vô can”, luật sư Thụy nói.
GS-TS Nguyễn Vân Nam cho biết doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ để tác động vào vụ kiện theo hướng có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo TNO