Kể từ 8h tối 28/3, giá xăng dầu trên cả nước được phép tăng 362 - 1.430 đồng. Giá bán lẻ tối đa xăng RON 92 lên mức cao nhất từ trước đến nay - 24.580 đồng một lít.
Thông cáo được Liên bộ Tài chính - Công Thương phát đi cuối giờ chiều cho biết, cơ quan quản lý chấp thuận để doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá kể từ 20h. Mức điều chỉnh tối đa đối với từng mặt hàng từ 362 đến 1.430 đồng một lít.
Xăng được tăng với mức cao nhất, trong đó RON 92 được phép đưa từ 23.150 đồng hiện tại lên 24.580 đồng một lít, phá kỷ lục (23.800 đồng) được lập hồi tháng 4/2012). Dầu diesel tăng 362 đồng, lên 21.912 đồng. Dầu hỏa và mazút tăng lần lượt 480 đồng và 807 đồng một lít, kg.
Đây là các mức giá cao nhất, tùy tình hình cụ thể, doanh nghiệp có thể áp dụng thấp hơn.
Biểu giá bán lẻ theo mức tăng tối đa
Đơn vị: VNĐ/lít, kg
Mặt hàng |
Giá cũ |
Giá mới (tối đa) |
Chênh lệch tối đa |
Xăng RON 92 |
23.150 |
24.580 |
1.430 |
Dầu diesel 0,05 S |
21.550 |
21.912 |
362 |
Dầu hỏa |
21.600 |
22.080 |
480 |
Dầu mazút |
17.650 |
18.457 |
807 |
Biểu giá bán lẻ mới của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
Sau quyết định của liên bộ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chỉ sử dụng mức tăng tối đa cho vùng 2 (vùng sâu vùng xa, nơi xa cảng và kho bãi). Trong khi tại các đô thị lớn, giá xăng tăng thêm 1.400 đồng mỗi lít. Các mặt hàng khác như diesel, dầu hỏa hay madut cũng tăng thấp hơn mức trần cho phép.
Trong khi đó, Công ty Xăng dầu Quân đội điều chỉnh chậm hơn mốc 8h tối.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2012, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh, dù đã nhiều lần “nhấp nhổm” do tác động của giá thế giới. Để bình ổn xăng dầu trong giai đoạn cuối 2012 - đầu 2013, cơ quan quản lý cho biết đã nhiều lần thực hiện các biện pháp như tăng trích quỹ bình ổn giá, giảm thuế, yêu cầu doanh nghiệp chưa tính lợi nhuận định mức… Đỉnh điểm là ngày 26/2 khi giá bán lẻ xăng dầu lẽ ra phải tăng 1.000 - 2.300 đồng.
Sau thời điểm này, giá xăng dầu thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết quỹ bình ổn giá tại các doanh nghiệp đã cạn; giá bán lẻ tại các nước có chung đường biên giới với Việt Nam cũng cao hơn 2.000 - 5.000 đồng một lít, dẫn tới tình trạng buôn lậu… Do đó, cơ quan quản lý cho biết phải thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu như mức nêu trên.
Cùng với việc tăng giá, theo công văn được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) gửi tới các doanh nghiệp cuối giờ chiều 28/3, cơ quan điều hành đã quyết định dừng trích quỹ bình ổn giá (hiện ở mức 2.000 đồng một lít với xăng và 650 - 1.150 đồng một lít, kg với các mặt hàng dầu), giữ ổn định thuế và khôi phục lợi nhuận định mức 300 đồng một lít cho doanh nghiệp.
Theo VnExpress
|