Hầm đường bộ qua đèo Cả chỉ mới bắt đầu xây dựng nhưng nhà đầu tư không chỉ thu phí để hoàn vốn mà còn dự kiến tăng phí lên cao gấp 1,5 lần.
Ngày 4-7, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) cho biết đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Tài chính cho tăng mức phí lên 1,5 lần so với mức phí sử dụng đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước đối với 2 trạm thu phí Bàn Thạch (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và Ninh An (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Đến năm 2016, sẽ nâng mức phí ở 2 trạm này lên 3,5 lần, đồng thời xây thêm 1 trạm thu phí BOT hầm đèo Cả giữa 2 trạm này với mức phí gấp 5 lần.
Chưa xây xong đã thu phí
Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả do Công ty Đèo Cả làm chủ đầu tư xây dựng theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao) và BT (đầu tư - chuyển giao) chỉ mới được khởi công vào ngày 18-11-2012. Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2012, trạm thu phí Ninh An đã được giao cho Công ty Đèo Cả thu phí để hoàn vốn dự án.
Sau đó, ngày 1-8-2012, nhà đầu tư này tiếp tục mua lại trạm thu phí Bàn Thạch từ Công ty Cổ phần Thương mại Điện máy Việt Long để thu phí. Sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, 2 trạm thu phí này vẫn không bị xóa bỏ. Các phương tiện qua đèo Cả phải chấp nhận phí chồng phí khi vừa đóng Quỹ Bảo trì đường bộ vừa phải đóng phí khi qua 2 trạm này.
Tại buổi làm việc giữa nhà đầu tư với các cựu cán bộ lãnh đạo tỉnh Phú Yên, ông Trần Văn Mười, nguyên chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, cho rằng đã quá vội vàng khi giao 2 trạm thu phí này cho Công ty Đèo Cả. “Tại sao dự án chưa làm lại thu phí ở 2 đầu? Theo tôi, bàn giao như thế là không cần thiết. Lẽ ra nhà nước cứ thu phí, khi nào dự án triển khai thì chuyển tiền cho chủ đầu tư mới đúng” - ông Mười phân tích.
Phí qua đèo tăng chóng mặt
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc này, ông Đinh Văn Chương, Phó Ban Quản lý các dự án của Công ty Đèo Cả, cho hay theo hợp đồng BOT giữa Công ty Đèo Cả với Bộ GTVT, từ ngày 1-7-2012, trạm thu phí Ninh An sẽ tăng mức thu phí lên 1,5 lần so với hiện tại, còn trạm thu phí Bàn Thạch sẽ tăng mức thu phí 1,5 lần vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài chính chưa thống nhất với mức tăng này. Hiện Công ty Đèo Cả đang kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho tăng mức phí.
Ông Chương cho biết hợp đồng BOT giữa nhà đầu tư với Bộ GTVT về việc tăng mức phí 2 trạm Ninh An và Bàn Thạch là căn cứ vào Thông tư 90 năm 2004 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.
Cũng theo ông Chương, trong tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã đồng ý cho tăng mức thu phí lên 3,5 lần ở 2 trạm thu phí Ninh An và Bàn Thạch vào năm 2016 để hoàn vốn cho dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A qua tỉnh Khánh Hòa. Trong khi đó, trạm thu phí Bàn Thạch lại thuộc tỉnh Phú Yên, cách xa đoạn đường của dự án này đến hơn 20 km, xe không qua đoạn đường trên cũng phải chịu mức phí tăng. Ông Chương biện bạch nếu chỉ tăng mức thu phí 3,5 lần ở trạm Ninh An sẽ không đủ hoàn vốn nên phải xin tăng thêm trạm thu phí Bàn Thạch.
Không đi cũng thu tiền Từ ngày 20-5, trạm thu phí Cam Thịnh trên Quốc lộ 1A (đoạn qua TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) được cho thu phí trở lại. Trước đó, ngày 1-1, trạm thu phí này bị bãi bỏ sau khi có Quỹ Bảo trì đường bộ. Sở dĩ Bộ GTVT cho thu phí lại ở trạm này là để hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến Quốc lộ 1A theo hình thức BOT đoạn qua TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận). Từ trạm thu phí này đến đoạn đường trên cách nhau đến hơn 30 km, lại nằm ở 2 tỉnh khác nhau. Nhiều nhà xe chạy tuyến Nha Trang - Cam Ranh bức xúc khi không qua đoạn đường này vẫn phải nộp phí. |