Đánh giá tình hình xuất khẩu lúa gạo,
thủy sản ở ĐBSCL trong nửa đầu năm 2013, lãnh đạo các bộ, ngành đều
khẳng định gặp nhiều khó khăn, mặc dù các thống kê về số liệu xuất khẩu
tăng, đặc biệt là về lượng.
Tại
hội nghị "Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ
lúa gạo và thủy sản vùng ĐBSCL" được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm
nay (5-7), ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai quí đầu năm 2013 gặp
nhiều khó khăn do gặp cạnh tranh lớn từ Ấn Độ và Thái Lan.
Bà
Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết tồn kho của Thái
Lan vẫn cao, khoảng 17 triệu tấn; Ấn Độ khoảng 35,5 triệu tấn. Trong khi
đó, nhu cầu gạo thương mại ở những thị trường truyền thống của Việt Nam
vẫn chưa rõ ràng. "Indonesia và Malaysia chưa công bố kế hoạch nhập
khẩu hoặc chỉ nhập cầm chừng, gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu gạo trong
nước", bà nói.
Ông
Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thì
cho rằng tình hình dư cung lương thực trên thế giới là nguyên nhân khiến
xuất khẩu gạo Việt Nam gặp khó. "Dự báo tình hình còn còn kéo dài trong
nhiều năm tới, đặc biệt khi các nước nhập khẩu lớn tăng sản xuất để tự
cung, tự cấp và một số quốc gia xuất khẩu gạo đang nổi lên như Myanmar
và Campuchia", ông Phong cho biết.
Tuy
nhiên, kết quả báo cáo xuất khẩu gạo được công bố tại hội nghị trên,
cho thấy đến cuối tháng 6-2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng
3,5 triệu tấn, trị giá FOB (giao tại mạn thuyền) đạt trên 1,5 tỉ đô la
Mỹ, tăng 2,55% về lượng nhưng trị giá giảm 2,04% so với cùng kỳ năm
ngoái.
Đối
với xuất khẩu tôm và cá tra, bà Thoa của Bộ Công Thương, cho biết tình
hình cũng đang hết sức khó khăn, nguyên nhân do thiếu vốn sản xuất, dịch
bệnh, rào cản kỹ thuật ethoxyquin ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và
vấn đề kiện chống trợ cấp ở thị trường Mỹ...
Thế
nhưng, kết quả xuất trong nửa đầu năm 2013 đối với cá tra đạt 858 triệu
đô la Mỹ, tăng 0,53% và tôm đạt 1,088 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,17% so với
cùng kỳ năm 2012.
"Dự
báo cả năm 2013, xuất khẩu cá tra và hải sản đánh bắt vẫn duy trì được
mức tăng trưởng tương đương năm 2012 với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là
1,75 tỉ đô la Mỹ và 2,2 tỉ đô la Mỹ", bà Thoa cho biết.
Dù
xuất khẩu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm
ngoái nhưng thu nhập của nông dân lại có dấu hiệu sụt giảm mạnh trong 6
tháng đầu năm nay.
Trình
bày tại hội nghị trên, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố
Cần Thơ, dẫn chứng: "Nếu như vụ đông xuân 2013 lợi nhuận của nông dân
sản xuất lúa thơm Jasmine đạt trên 62%, thì sang vụ hè thu chỉ còn trên
50%. Đối với giống IR 50404, vụ đông xuân đạt lợi nhuận trên 38%, thì vụ
hè thu chỉ còn khoảng 7-12%".
Theo
ông Dũng, đối với cá tra, từ đầu năm đến nay, nông dân luôn bán sản
phẩm thấp hơn chi phí sản xuất và hiện mỗi kí lô gam cá tra bán ra họ lỗ
1.000 - 3.000 đồng.
Để
giải quyết khó khăn của ngành nông nghiệp nói chung, lúa gạo và thủy
sản nói riêng, ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho
biết chính sách tháo gỡ cần phải cụ thể, chi tiết chứ không thể kêu gọi
chung chung nữa.
Theo
ông Năng, khi đặt vấn đề chuyển đổi đất lúa sang các loại cây trồng
khác ở ĐBSCL, không thể nói chung chung rằng đã cảnh báo (cho nông dân)
mấy năm nay rồi hay khuyến khích họ từ lâu rồi, mà phải đổi mới tư duy
lẫn cách thực hiện. "Muốn nông dân chuyển đổi nhất thiết phải cho họ
thấy sản phẩm làm ra bán cho ai, bán ở đâu. Muốn làm được điều đó thì
phải có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách đến triển khai thực hiện, chứ
không thể hô hào là được", ông Năng nói.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn