Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu tôm lớn nhất do Hội chứng tử vong sớm (EMS) ở tôm tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan.
Chủ tịch Hiệp hội tôm Thái Lan, ông Somsak Paneetatayasai cho biết, xuất khẩu tôm Thái Lan năm 2013 có thể giảm mạnh 50%, do Hội chứng tử vong sớm ở tôm. Chỉ khoảng 20-30% ao nuôi tôm tại nước này còn hoạt động. EMS đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của ngành công nghiệp sản xuất giống tôm của Thái Lan kể từ năm 2012, với Hội chứng lây nhiễm cho cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Sự suy giảm mạnh xuất khẩu tôm của Thái Lan cũng đã khiến giá tôm đông lạnh tại Mỹ và châu Âu tăng 20% trong mấy tháng gần đây và tăng gấp đôi so với 2 năm trước. Giá tôm tại Nhật Bản cũng tăng 5,5 USD/kg.
Ông Trần Hữu Lộc, người đã tìm ra nguyên nhân của EMS cho biết, dịch bệnh đã tới Mexico và có thể gây ra sự gia tăng mạnh mẽ giá tôm nếu căn bệnh này lây lan đến Nam Mỹ.
Trong khi đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã xác nhận rằng tỉ lệ tôm chết đã giảm đáng kể do mật độ nuôi tôm thấp.
Nhật Bản đã nâng mức trần cho phép của mức dư lượng Trifluralin đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ 0,001 ppm đến 0,5 ppm, đã thúc đẩy xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản tăng 3,6% trong 5 tháng đầu năm 2013.
Các nhà xuất khẩu Việt nam đã tìm thị trường mới tại Nam Mỹ, Trung Đông và châu Á. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba. Trong 5 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 108,5 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các dịch bệnh tôm trong khu vực Đông Nam Á đã buộc các nước này tăng nhập khẩu, để đáp ứng nhu cầu nội địa. Bởi vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các quốc gia ASEAN tăng 15,5%.
Năm 2012 là thời gian khó khăn nhất đối với ngành nuôi tôm. Với nguồn kinh phí thắt chặt và các khoản nợ gia tăng, nhiều nông dân đã phải bỏ chăn nuôi do họ không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng. Theo báo cáo, có khoảng 30.000 ha diện tích nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bị nhiễm bệnh. Nông dân địa phương sẽ cần ít nhất 43 triệu USD vốn để tiếp tục sản xuất giống.
Việt Nam cũng cần nhiều vốn để phát triển diện tích nuôi tôm và thực hiện các chiến dịch xúc tiến thương mại tại các thị trường mới. Dự kiến, Việt Nam sẽ cần khoảng 70-100 triệu USD mỗi tháng để nhập khẩu tôm nguyên liệu.
Mặc dù, Việt Nam đã khống chế thành công EMS, người nông dân vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn. Tổng thư ký VASEP, Trương Đình Hòe, đã kêu gọi ưu tiên cấp bách để thực hiện kế hoạch kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 2,4 tỉ USD năm 2013. VASEP đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu tôm xuống còn 0% và yêu cầu các ngân hàng cơ cấu lại nợ và tiếp tục cho vay.
Theo vinanet