|
Vòng đàm phán thứ 19 của Hiệp định Ðối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới đây đã kết thúc tại Bru-nây và hiệp định quan trọng này đang tiến dần tới giai đoạn cuối cùng để được chính thức ký kết. TPP được các doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất hàng xuất khẩu như da giày, túi xách Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng khi mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm... Tuy nhiên, cũng không ít thách thức mới đang đặt ra đối với các DN này.
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu
Ngành công nghiệp da giày và túi xách Việt Nam là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn (sau dệt may, dầu thô), chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Với hơn 500 DN sản xuất da giày và túi xách đang hoạt động, ngành tạo công ăn việc làm cho hơn 600 nghìn lao động và hơn 500 nghìn lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ. Ngành da giày và túi xách Việt Nam đứng thứ tư trong số tám nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Hồng Công và I-ta-li-a.
Theo Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso), TPP thật sự mở ra cơ hội "vàng" cho ngành da giày, túi xách Việt Nam xuất khẩu vào thị trường thành viên TPP, khi mức thuế nhập khẩu sẽ thấp hơn hiện nay. Một trong những điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan vào thị trường các nước thành viên TPP là các DN Việt Nam phải chứng minh lô hàng xuất khẩu có xuất xứ nguyên liệu, phụ liệu như da, vải, đế giày... được sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước thành viên TPP. Hiện có 12 nước tham gia đàm phán vào TPP, gồm: Bru-nây, Chi-lê, Niu Di-lân, Xin-ga-po, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Pê-ru, Ma-lai-xi-a, Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Nhật Bản và Việt Nam.
Chủ tịch Lefaso Nguyễn Ðức Thuấn nhận định: Hiệp định TPP được ký sẽ là cú hích mới cho các DN da giày, túi xách Việt Nam phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Số lượng ở đây hàm ý quy mô sản xuất và xuất khẩu, chất lượng là nói tới sự hoàn thiện hơn trong hệ thống sản xuất, kinh doanh, cải thiện giá trị gia tăng của sản phẩm da giày, túi xách, ví... của Việt Nam. Khi TPP có hiệu lực về cơ bản tất cả các loại hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước thành viên của hiệp định này sẽ được ưu đãi thuế quan, trong dài hạn thuế quan có khả năng về mức 0%. Ðây chính là lợi thế để hàng da giày Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so một số nước như Trung Quốc, Ấn Ðộ... những nước xuất khẩu da, giày, túi xách hàng đầu thế giới nhưng không phải là thành viên của TPP. Theo đó, các hãng giày, túi xách lớn của Mỹ và châu Âu sẽ di dời gia công, sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm hưởng lợi thế TPP.
Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày và túi xách Việt Nam liên tục tăng trưởng, năm 2012 đạt hơn 8,7 tỷ USD, năm 2013 phấn đấu đạt khoảng 9,7 tỷ USD. Bảy tháng đầu năm 2013, dù tiếp tục đối mặt với những khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày, dép các loại của Việt Nam đạt 4,8 tỷ USD, tăng 14,7%; mặt hàng túi xách, ví, va-li... đạt 1,08 tỷ USD, tăng 23,3% so cùng kỳ năm 2012. Hiện nay, các DN trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm, nhiều DN có đơn hàng xuất khẩu dài hạn đến quý I năm 2014.
Ðặc biệt, thị trường Mỹ và Nhật Bản - hai nước thành viên TPP, được coi là những thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày, túi xách Việt Nam, có mức tăng trưởng mạnh. Năm 2012, mặc dù nhu cầu nhập khẩu hàng da giày, túi xách của các thị trường Mỹ, Nhật Bản đều giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu da giày và túi xách của nước ta vào hai thị trường này vẫn tăng, đạt 3,6 tỷ USD, chiếm 41% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tại thị trường Mỹ, hàng da giày, túi xách Trung Quốc chiếm 71,7% thị phần, hàng Việt Nam chiếm 10% thị phần.
Chủ tịch HÐQT Công ty TNHH Liên Phát Trương Thị Thúy Liên chia sẻ, là DN chuyên làm hàng gia công xuất khẩu giày nữ sang thị trường Mỹ và Nhật Bản là chủ yếu, DN không phải lo xuất xứ nguyên liệu vì yếu tố này sẽ được khách hàng đặt gia công quan tâm. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan vào những thị trường nhập khẩu này, nhiều khách hàng đã tìm đến đặt đơn hàng sản xuất. Ðiều đó giúp DN có nhiều cơ hội lựa chọn những khách hàng có giá gia công cao để tăng lợi nhuận. Thời gian qua, có nhiều khách hàng mới của Mỹ, Nhật Bản đến tận DN tham quan cơ sở sản xuất và ký hợp đồng sản xuất. Nhờ đó, bảy tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của DN tăng hơn 10% so cùng kỳ.
Cần phải tăng năng lực cạnh tranh
Chủ tịch Lefaso Nguyễn Ðức Thuấn khẳng định: Ðối với một ngành tham gia xuất khẩu chủ lực như da giày, túi xách Việt Nam thì việc Việt Nam hội nhập sâu, rộng với các thị trường lớn trên thế giới chắc chắn sẽ có tác động tích cực trong việc tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm thách thức, DN da giày, túi xách Việt Nam muốn tận dụng hiệu quả cao nhất TPP thì phải hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu. Một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên, phụ liệu - sản xuất - phân phối phải được hình thành trong cộng đồng các thành viên tham gia ký kết Hiệp định TPP. Các DN cũng không nên coi TPP như một cơ hội để phát triển trong ngắn hạn, mà quan trọng hơn là cần tận dụng tốt cơ hội này để gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển bền vững.
Thách thức lớn nhất đối với các DN da giày, túi xách Việt Nam hiện nay là làm thế nào để tiếp cận thị trường các nước TPP trong khi nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam lại chủ yếu nhập khẩu từ các nước ngoài thành viên TPP. Bên cạnh đó, các DN cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ từ việc mở cửa thị trường trong nước cho các nước thành viên TPP vào Việt Nam. Nội tại ngành da giày và túi xách Việt Nam vẫn còn những hạn chế, chưa thật sự bền vững, chưa thực hiện được chuỗi cung ứng cho mình. Hiện nay, nguyên, phụ liệu của ngành mới đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50 đến 55%, còn lại vẫn phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Ðối với một số dòng sản phẩm giày, dép ở mức trung bình như giày vải thì tỷ lệ nội địa hóa đã đạt được hơn 75%, tuy nhiên, để thâm nhập vào các thị trường thành viên TPP, trong đó có Mỹ, Nhật Bản thì các DN không thể chỉ sản xuất đến dòng sản phẩm trung bình, mà phải quan tâm hướng đến các dòng sản phẩm cao cấp hơn.
Ngành da giày, túi xách cũng phải đối mặt với khó khăn về phương thức sản xuất vì các DN chủ yếu sản xuất theo phương thức gia công xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự thông hiểu luật pháp và tận dụng lợi thế trong TPP của các DN cũng còn rất hạn chế trong khi lại phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, giao hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật từ các đối tác nước ngoài. Ðặc biệt, tỷ lệ nội địa hóa và nhập vật tư trong khối để bảo đảm các điều kiện thụ hưởng mức thuế ưu đãi từ TPP còn thấp. Cùng với việc mở cửa thị trường, ngành da giày cũng sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn ngay với các DN nước ngoài tại thị trường trong nước.
Theo Lefaso, các cơ sở thuộc da trong nước mới đáp ứng được 10% nhu cầu và hiện chỉ hoạt động được 25% công suất do thiếu nguyên liệu. Mỗi năm các DN Việt Nam chi từ 170 tới 230 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu giả da và từ 80 tới 100 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu da từ thị trường Thái-lan, Ðài Loan và Hàn Quốc. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày, túi xách Việt Nam chính là giải pháp quan trọng giúp các DN trong ngành nắm bắt và tận dụng được cơ hội TPP mang lại. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Gia Ðịnh Nguyễn Chí Trung cho biết, là đơn vị chuyên sản xuất giày da xuất khẩu, công ty phải nhập khẩu 40% nguyên liệu chủ yếu là nguyên liệu da, giả da. Ðể tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm giày, chủ động khâu nguyên liệu, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, công ty đã sớm đầu tư nhà máy sản xuất đế giày phục vụ cho sản xuất tại công ty và cho các DN khác trong ngành. Ðồng thời chủ động tìm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, và tìm kiếm nguồn liên kết chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Mới đây, Công ty TNHH Liên Phát tập trung đầu tư nhà máy thuộc da tại tỉnh Ðồng Nai có năng lực sản xuất một triệu Square feet (một square feet= 0,3048 m2) mặt hàng da thuộc. Dự kiến năm 2014, nhà máy đi vào hoạt động để tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu da cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Ðể có thể tận dụng được các lợi thế TPP, ngay từ bây giờ, các DN cần phải thay đổi phương thức kinh doanh chuyển từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm), đồng thời chuẩn hóa và minh bạch các hoạt động kinh doanh. Ðặc biệt, các DN cần phải thông hiểu các nội dung và giải pháp để tận dụng tối đa lợi thế từ TPP, đặc biệt là các quy tắc và cách tính xuất xứ. Khi quy mô sản xuất tăng, sự phân bố các khu vực nhà máy sản xuất cũng tăng, đòi hỏi hệ thống hạ tầng nối các khu trung tâm thiết kế với khu vực sản xuất, trung tâm ICD (cảng nội địa), và cảng biển phải hoàn thiện. Những chính sách trong kêu gọi đầu tư vào da giày, túi xách với cả đối tác trong nước và nước ngoài đều phải quan tâm đến trình độ công nghệ, môi trường cho dự án đầu tư, bảo đảm dự án đầu tư mới phải sử dụng công nghệ tốt, bền vững, lâu dài, tránh tình trạng dịch chuyển công nghệ cũ, lạc hậu về Việt Nam.
Theo Báo Nhân Dân
|