Hàng trăm triệu USD kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay với tỉ lệ tăng đều so với mọi năm, sản phẩm mây, tre đan của Việt Nam vẫn đứng vững trên những thị trường lớn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sau 8 tháng đầu năm 2013 sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt hơn 127 triệu USD – tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. "Đặc sản" từ VN vẫn có sức hấp dẫn với các thị trường chuộng sử dụng đồ gia dụng, nội thất truyền thống như Nhật Bản, Nga, Australia...
Điều đáng kinh ngạc là Hoa Kỳ - một thị trường có sức hấp dẫn không nhỏ với tất cả các mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ - hiện đang dẫn đầu về lượng nhập khẩu hàng mây tre đan nước ta với kim ngạch gần 30 triệu USD, tăng khoảng 32% so với 2012 và chiếm 23% thị phần xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ NNPTNT, những địa phương có điều kiện gây trồng, chế biến tre nứa, song mây đang chứng minh hiệu quả kinh tế bền vững nhiều năm qua. Trong đó, vùng nguyên liệu trồng luồng của Thanh Hóa đã tạo thu nhập cho 30% gia đình, mức thu nhập bình quân của lao động mây tre đan tại đây đạt hơn 100.000đ/ngày. Tại Thái Bình, trồng thâm canh mây nếp sau 5 năm trồng nguyên loại ban đầu đã đều đặn sinh lãi hàng năm, với mức lãi ổn định duy trì từ 60- 90 triệu đồng/ha/năm... Để phục vụ thị trường xuất khẩu, hằng năm nước ta tiêu thụ từ 400 - 500 triệu cây tre nứa và hàng nghìn tấn song mây nguyên liệu.
Cả nước hiện có hơn 720 làng nghề chế biến mây tre đan và hơn 1.000 DN kinh doanh các mặt hàng này. Số lao động thu hút vào ngành mây tre đan đã lên đến 342.000 lao động.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xuất khẩu sản phẩm mây tre đan vẫn chứng minh những bước đi chậm mà chắc. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu, các chuyên gia khuyến cáo DN cần chú trọng hơn đến việc thiết kế mẫu mã phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường chủ lực. Về lâu dài, theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), quy hoạch vùng nguyên liệu mây tre đan cần có sự tập trung và có chiến lược quy hoạch cụ thể để bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu mây tre.
Theo Báo Lao Động