Hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều tham gia CISG. Vì vậy, cộng đồng DN Việt Nam cũng đang ủng hộ việc Việt Nam gia nhập công ước này.
Điều chỉnh 80% giao dịch thương mại quốc tế, Công ước về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên Hợp quốc (CISG) là một trong những công ước quan trọng nhất về thương mại đa phương quốc tế, quy định các vấn đề xác lập hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của người bán và người mua, vi phạm hợp đồng và chế tài đối với việc vi phạm hợp đồng.
Theo TS. Phạm Đình Thưởng (Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương), việc gia nhập CISG sẽ giúp DN xuất khẩu trong nước tiết kiệm thời gian, chủ động trong đàm phán hợp đồng thương mại. Ngoài ra, tòa án và trọng tài kinh tế cũng đủ cơ sở pháp lý để xem xét những tranh chấp về hàng hóa quốc tế, đưa ra phán quyết dễ dàng và được chấp nhận, thi hành ở nước ngoài.
Hiện nay, hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều tham gia CISG. Vì vậy, cộng đồng DN Việt Nam cũng đang ủng hộ việc Việt Nam gia nhập công ước này.
Ông Nguyễn Trung Nam (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, có đến 90% là DNNVV, kể cả DN xuất khẩu, không có hoặc có rất ít bộ phận pháp lý chuyên nghiệp, giao dịch chủ yếu dựa trên sự tin cậy, vì thế thị trường bị bó hẹp.
Thậm chí, nhiều DN thiếu hiểu biết và không có thói quen tìm hiểu về rủi ro pháp lý trong đàm phán hợp đồng, thiếu ngân sách cho chi phí tư vấn pháp lý nên hợp đồng thường sơ sài, thiếu chặt chẽ, dễ bị áp đặt theo điều kiện của đối tác...
Cũng bởi vậy, khi Việt Nam gia nhập CISG, DN sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn, bởi quy định của CISG hiện đại và chi tiết với trên 101 điều khoản, luôn được sửa đổi, bổ sung. Việc Việt Nam tham gia CISG cũng được cho là sẽ làm tăng tính cạnh tranh của DN, bởi trên một cơ sở luật chung sẽ dễ dàng đánh giá, so sánh giữa các lựa chọn, chào giá của DN tại nhiều quốc gia.
Thông qua CISG, DN giữa các nước có giao dịch thương mại sẽ có chung tiếng nói, chung cơ sở pháp lý, dẫn đến quan hệ mua bán khăng khít và lâu bền hơn. Đặc biệt, hiện nay phần lớn các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam hiện đã là thành viên của CISG và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam dù trực tiếp hay gián tiếp.
Luật sư Ngô Việt Hòa (Công ty Luật Russin & Vecchi) chia sẻ kinh nghiệm từ một số quốc gia trong khu vực châu Á là thành viên của CISG như: Trung Quốc hiện đang áp dụng rộng rãi các quy định của CISG trong hợp đồng kinh tế. Điều này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển ngoại thương và góp phần hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thương mại quốc tế tại quốc gia này.
Riêng với Việt Nam, ông cho rằng, lợi ích đối với DN là sẽ tiết kiệm được thời gian đàm phán, không còn ở thế bị động trong thương thảo hợp đồng.
Quan trọng hơn, cơ quan tòa án, trọng tài kinh tế Việt Nam cũng có đầy đủ cơ sở pháp lý để xem xét và giải quyết tranh chấp về hợp đồng thương mại quốc tế. Phán quyết của tòa án Việt Nam sẽ dễ dàng được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài. Trình độ của các thẩm phán được nâng cao, dần đạt chuẩn quốc tế.
Vấn đề còn lại là Việt Nam cần có lộ trình gia nhập CISG để đảm bảo các thương nhân, luật sư... có hiểu biết rõ ràng về CISG. Và do khi gia nhập CISG sẽ trở thành một phần của pháp luật Việt Nam, nên cũng cần có đánh giá tổng thể về tác động của việc gia nhập này, nhằm phát huy được lợi ích bền vững nhất cho cộng đồng DN Việt Nam.
Theo Thời Báo Ngân Hàng