Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và các linh kiện năm 2013 đạt hơn 21,5 tỷ USD, đứng đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đây là năm đầu tiên điện thoại và các linh kiện đứng đầu bảng các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, sau nhiều năm thuộc về dệt may.
So với năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện năm nay tăng gần 70%, chủ yếu do đóng góp của nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. Năm 2012, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đóng góp tới 98% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam.
Bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cũng nhận định đóng góp của Samsung nói riêng và nhóm hàng điện thoại và các linh kiện nói chung trong tổng kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Năm nay, nhóm hàng này chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và 50% trong mức tăng trưởng toàn ngành.
Đứng tiếp theo nhóm hàng này là dệt may (17,9 tỷ USD); điện tử, máy tính và linh kiện (10,7 tỷ USD) và dầu thô (7,2 tỷ USD)...
Về phía nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu vẫn phải nhập nguyên liệu, máy móc từ nước ngoài cho sản xuất hàng xuất khẩu bởi ngành công nghiệp phụ trợ còn quá yếu, Tổng cục Thống kê nhận định. Bằng chứng là xuất khẩu máy tính, điện thoại, linh kiện và hàng điện tử ở mức cao nhưng nhập khẩu thiết bị cho nhóm này cũng lên tới 25,7 tỷ USD, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phương tiện khác cũng đạt 18,6 tỷ USD.
Sau một năm suy giảm, thị trường ôtô năm nay đã khởi sắc hơn khi sức mua tăng trở lại. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng toàn thị trường 11 tháng đầu năm 2013 tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ khu vực xe ôtô con nhập khẩu. Trước tình hình này, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc năm 2013 cũng tăng trở lại sau khi xuống thấp trong 6 năm vào năm ngoái.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2013 nhập khẩu ôtô ước đạt khoảng 34.000 chiếc, trị giá 709 triệu USD, tăng 25% về lượng và 15% về giá trị so với năm ngoái. Sự cải thiện này chủ yếu do hiệu ứng từ việc giảm lệ phí trước bạ. Hiện lệ phí trước bạ cho ôtô dưới 10 chỗ đăng ký lần đầu tại Hà Nội là 12%, giảm mạnh so với mức 20% của năm 2012, tại TP HCM là 15% và đang rục rịch giảm xuống 10% vào đầu năm 2014.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chờ đợi thông tin từ giảm thuế nhập khẩu ôtô. Cụ thể, từ ngày 1/1/2014, thuế suất nhập khẩu nhiều loại ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ giảm về 50%, thay vì 60% như hiện tại theo cam kết thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012 - 2014.
Tính chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 đạt hơn 260 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2012. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam xuất siêu với giá trị hơn 860 triệu USD, vượt xa dự tính của Chính phủ là sẽ nhập siêu. Tuy nhiên, đóng góp chính cho thành tích này lại là khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi xuất siêu 13,9 tỷ USD, còn khu vực trong nước nhập siêu tới 13,1 tỷ USD.
"Xuất siêu năm nay hoàn toàn thuộc về khu vực đầu tư nước ngoài. Mặc dù xuất khẩu khu vực này phát triển mạnh là điều kiện thuận lợi để giải quyết việc làm cho người lao động nhưng hiệu quả mang lại cho tăng trưởng kinh tế không cao, do chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp", Tổng cục Thống kê đánh giá.
EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt 20,4 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2012, tiếp đến là ASEAN, Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 27%. Đây cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỷ USD.
Theo VnExpress