Ngày 21/7, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị "Nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực ĐBSCL". Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang cùng đông đảo lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội chủ tàu, hiệp hội vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tham dự Hội nghị.
Thị phần vận tải thủy đang giảm dần
Hội nghị đã lắng nghe những khó khăn vướng mắc từ doanh nghiệp vận tải, cơ quan quản lý địa phương để tập trung tìm giải pháp thúc đẩy vận tải thủy nội địa vốn lâu nay ì ạch, chưa xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang
và lãnh đạo Bộ GTVT, TPHCM... chỉ đạo Hội nghị
Tại hội nghị,Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đánh giá khái quát thực trạng hệ thống giao thông và tình hình phát triển vận tải thủy nội địa (VTTNĐ) ở ĐBSCL. Theo Thứ trưởng Thể, ĐBSCL là khu vực có lượng hàng hóa rất lớn nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội địa cũng như xuất khẩu rất cao. Trong đó, VTTNĐ đóng một vai trò rất quan trọng vì so với đường hàng không, đường bộ, đường biển thì VTTNĐ vẫn là phương thức vận chuyển có chi phí thấp nhất.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Thể đưa ra bất cập: Trong khi nhu cầu có nhưng thực tế vận tải thủy ở khu vực này đang giảm dần thị phần. Rất cần sớm có giải pháp để giải quyết thực trạng này.
Thứ trưởng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế để vạch ra chiến lược mới phát triển vận tải thủy đồng bằng sông Cửu Long, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa khu vực...
Chưa được quan tâm đúng mức
Phát biểu tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu, kể cả các nhà quản lý, doanh nghiệp đều có một nhận xét chung là nhiều năm qua VTTNĐ nói chung, ở khu vực ĐBSCL nói riêng chưa được lãnh đạo các cấp, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, chưa được đánh giá đúng vị trí vai trò.
Cũng chưa có một "kịch bản" phát triển chiến lược bản lề phù hợp và đột phá để vực dậy phương thức này. Nhiều doanh nghiệp kêu ca, vốn đầu tư ít nhưng lại dàn trải, thiếu tập trung nên thiếu vốn trầm trọng cho cả đầu tư xây dựng cơ bản và bảo trì luồng lạch. Tàu qua lại vẫn rất khó khăn. Luồng tàu, cảng vụ được phân chia theo luồng hảng hải và vận tải thủy nội địa nhiều chỗ còn chồng lấn, thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu.
Theo Cục đường thủy nội địa Việt Nam, ĐBSCL có tuyến luồng dày đặc, nhưng lại không đồng cấp, nhất là về độ sâu, nhiều cây cầu đã cũ, có chiều rộng khoang thông thuyền, tĩnh thông hạn chế. Số cảng bến thủy nội địa tuy nhiều nhưng trang bị bốc xếp hàng hóa chưa hiện đại, đường bộ kết nối với các bến còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều đoạn, tuyến sông có mật độ giao thông cao, nhưng vẫn tận dụng tự nhiên là chính , ít được khảo sát, đo đạc, thông báo luồng. Các cửa sông bị bồi lắng khá lớn, diễn biến phức tạp, nhiều chướng ngại vật chưa được xử lý…
Ông Trần Đỗ Liêm – Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm (Tiền Giang) cho rằng, hệ thống quy hoạch vận tải, luồng tuyến, bến bãi… ở khu vực ĐBSCL chưa được nghiên cứu, quy hoạch đồng bộ...
Theo ông Liêm, do vận tải tự phát nên có chuyện thị trường rối loạn giá cả, chèn ép lẫn nhau làm giá thành vận tải xuống rất thấp..
"Vận tải thủy rất yếu kém vì nhận thức của cơ quan quản lý"
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các địa biểu tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định Bộ GTVT sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là các đề xuất, giải pháp của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.
Bộ trưởng đặt câu hỏi, vận tải thủy nội địa hết sức có hiệu quả, tiềm năng lớn nhưng vì sao lâu nay vẫn chưa khai thác được, còn rất yếu kém. "Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trong đó có việc nhận thức chưa đến nơi đến chốn của các cơ quan quản lý cũng như địa phương, doanh nghiệp. Cước vận tải ĐTNĐ rẻ hơn rất nhiều so với nhiều phương thức vận tải khác, nhưng lại chưa có sự đầu tư và phát triển tương xứng, điều đó cho thấy, nhận thức của chúng ta về ĐTNĐ hiện nay chưa tốt”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Để khắc phục tình trạng này, cần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về VTTNĐ, vận tải biển, kết nối các loại hình vận tải. Nếu còn tư duy làm nhanh, “ăn xổi ở thì” thì không thể phát triển được. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chiến lược, quy hoạch để xây dựng thể chế chính sách, pháp luật nâng cao năng lực quản lý nhà nước nhưng phải theo hướng tạo thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho người dân, doanh nghiệp. Quản lý phải chủ động đến với người dân, chứ đừng ngồi trên bờ, ngồi trong phòng lạnh mà ra chính sách xa rời thực tế, không khả thi..., Bộ trưởng nói
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các cơ quan đơn vị đẩy mạnh tiến độ, chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm như kênh Chợ Gạo, Quan Chánh Bố... Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh kết nối các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, hàng không; Tập trung kiểm soát phương tiện, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng, chống tiêu cực ở các trạm cân; Tổng cục đường bộ sớm kiểm tra rà soát tất cả các biển báo trên hệ thống giao thông, nếu cái nào không phù hợp, bất hợp lý phải loại bỏ ngay...
Theo Giao Thông Vận Tải.