Tham dự cuộc họp có đại diện một số đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, lãnh đạo các chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển và đại diện một số cảng biển TP.HCM.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, việc thực hiện công tác giám sát hải quan theo quy định tại Thông tư 22/2014/TT-BTC tại các khu vực cửa khẩu cảng biển đã dần ổn định. Để phù hợp với thực tế và và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK, đồng thời đảm bảo công tác quản lý hải quan, ngày 29-8, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 2575/QĐ-TCHQ ngày 29-8-2014 về quy trình giám sát hải quan tại khu vực cảng biển. Đây là tiền đề để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Hải quan vừa được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, để triển khai Luật Hải quan một cách hiệu quả nhất vào đầu năm 2015, tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh mong muốn phối hợp với các công ty kinh doanh, khai thác cảng biển tại TP.HCM để thí điểm triển khai trước một số nội dung, với mục tiêu cùng nhau giảm thủ tục, thời gian giám sát đối với hàng hóa XNK tại cửa khẩu cảng biển, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động XNK của doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp kinh doanh cảng và công tác quản lý của cơ quan Hải quan.
Theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh, hiện nay các cảng lớn tại phía Nam đều có hệ thống giám sát quản lý khá tốt, trong đó, có một số cảng đã có sự liên kết với cơ quan Hải quan trong công tác khai thác thông tin trong công tác giám sát. Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng còn mạnh ai nấy làm, chính vì thế, trong thời gian này cần cách kết nối như thế nào để có hiệu quả cao nhất khi triển khai Luật Hải quan.
Tại cuộc họp, đại diện các công ty kinh doanh, khai thác cảng biển và các chi cục hải quan cửa khẩu TP.HCM đều nhất trí cao với mục tiêu là thực hiện tốt công tác giám sát hàng hóa XNK, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi Luật Hải quan có hiệu lực, tuy nhiên phải có lộ trình và sự phối hợp, phân rõ trách nhiệm của từng đơn vị có liên quan.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 Võ Minh Tuấn cho rằng, từ trước đến nay công tác giám sát hàng hóa XNK tại cảng Cát Lái được thực hiện rất hiệu quả nhờ sự phối hợp rất tốt với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.
Hiện đơn, đơn vị đang thực hiện giám sát theo chương trình phần TOP X khai thác cùng với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. Theo đó, công chức hải quan không phải thực hiện giám sát trực tiếp đối với container hàng XK tại cổng cảng. Tại bộ phận Văn phòng Giám sát hàng XK, tiếp nhận hồ sơ hải quan lô hàng XK do người khai hải quan xuất trình sau khi đã tập kết hàng ở trong cảng, gồm: tờ khai VNACCS, phiếu hạ bãi của doanh nghiệp kinh doanh cảng. Đối với việc giám sát hàng nhập khẩu ra cổng cảng, quy trình bao gồm 2 bước, quy định chi tiết các chứng từ, đối với doanh nghiệp và cơ quan Hải quan, đảm bảo giám sát chặt chẽ hàng hóa ra khỏi cảng.
Điểm nổi trội của chương trình giám sát TOP X, tất cả các thông tin liên quan đến các lô hàng XK, NK ra vào cảng đều được cập nhật trên phần mềm của hệ thống này và được nối mạng giữa cơ quan Hải quan và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.
Tuy nhiên, theo Phó Chi cục trưởng Võ Minh Tuấn, từ phần mềm giám sát này cần làm rõ, công việc nào của Hải quan và công việc nào của cơ quan cảng cần làm rõ. Hiện nay đã giảm được công chức giám sát cổng, cần duy trì và phát triển, đồng thời có khai trên tờ khai hải quan về số container sẽ giảm được thời gian giám sát đối với hàng hóa XNK…
Ông Huỳnh Trung Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2 cho biết, ngoài việc quan tâm đến việc giảm thủ tục hải quan trong khâu giám sát đối với hàng hóa XNK container, đề nghị Tổng cục Hải quan cũng quan tâm đến việc giám sát đối với loại hình đặc thù là hàng hóa XNK dạng xá, bởi thời gian làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu một lô hàng có thể kéo dài rất lâu…
Về phía các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác cảng biển rất đồng tình với mục tiêu hiện đại hóa và cải cách thủ tục đối với khâu giám sát hàng hóa XNK của ngành Hải quan. Đại diện cảng Hiệp Phước và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, hiện nay các cảng đã đầu tư trang bị hệ thống phần mềm, máy móc giám sát rất hiện đại, sẵn sàng tham gia các chương trình kết nối của cơ quan Hải quan nhưng phải có lộ trình, thời gian cụ thể, hướng đến mục tiêu là quản lý chặt chẽ hàng hóa bằng công nghệ quản lý hiện đại.
Tổng cục Hải quan đã ghi nhận các ý kiến của các đại biểu tham dự tại cuộc họp, trong tuần tới đoàn công tác của Tổng cục Hải quan sẽ có kế hoạch làm việc với từng chi cục hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng biển tại TP.HCM để bàn biện pháp cụ thể.
Điều 41 Luật Hải quan 2014 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong hoạt động giám sát hải quan: 1. Bố trí địa điểm để lắp đặt phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ giám sát hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan. 2. Kết nối hệ thống thông tin quản lý hàng hóa của doanh nghiệp với hệ thống thông quan điện tử của cơ quan hải quan để quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi. 3. Thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, số liệu hàng hóa đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi theo quy định của pháp luật và xuất trình, cung cấp cho cơ quan hải quan khi có yêu cầu. 4. Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan hải quan trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi. 5. Bảo quản, sắp xếp, lưu giữ nguyên trạng hàng hóa trong khu vực cảng, kho, bãi theo yêu cầu giám sát, quản lý của cơ quan hải quan. 6. Chỉ cho phép vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực cảng, kho, bãi khi có chứng từ của cơ quan hải quan. 7. Thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử lý hàng hóa vi phạm. |