Một mặt hàng nhiều quy định
Đơn cử như các mặt hàng bếp điện, lò nướng điện, vỉ nướng điện… Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, tại Quyết định 50/2006/QĐ-TTg quy định mặt hàng bếp điện, lò nướng điện, chảo điện, vỉ nướng điện thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng khi NK, trong khi đó Thông tư 01/2009/TT-BKHCN lại chỉ quy định mặt hàng “lò nướng điện, vỉ nướng điện”, không có mặt hàng bếp điện, chảo điện. Công văn 1612/TĐC-ĐGPH năm 2009 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn mặt hàng “chảo điện” và “bếp điện” không phải kiểm tra chất lượng khi NK. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại bếp có cơ chế hoạt động bằng điện như bếp từ, bếp hồng ngoại… Những loại bếp này chưa được quy định có phải kiểm tra chất lượng hay không, vì đều có tính năng nướng điện. Phản ánh về thực tế này với Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, câu trả lời là mặt hàng bếp từ không phải kiểm tra nhưng bếp hồng ngoại phải kiểm tra.
Rất nhiều mặt hàng là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cũng đang bị quản lý chồng chéo bởi nhiều văn bản, có thể tạo kẽ hở cho DN lợi dụng. Theo Cục Hải quan Hà Nội, khoản 5 Điều 13 Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định hàng hóa là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm NK, tạm ngừng NK chỉ được phép tạm xuất để sửa chữa, bảo hành với điều kiện hàng hóa đó còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng NK.
Tại điểm b khoản 5 Điều 53 Thông tư 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định trường hợp không có hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng không có điều kiện bảo hành, sửa chữa thì thực hiện thủ tục như đối với hàng không nhằm mục đích thương mại. Theo Cục Hải quan Hà Nội, quy định nêu trên sẽ phát sinh vướng mắc trong trường hợp DN tạm xuất mặt hàng thuộc danh mục tiêu dùng đã qua sử dụng cấm NK theo quy định tại Thông tư 11/2012/TT-BTTTT (ví dụ: tạm xuất mặt hàng máy tính ra nước ngoài sửa chữa): Nếu theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 53 Thông tư 128 thì DN lại được tạm xuất theo hình thức phi mậu dịch (do không có hợp đồng hoặc hợp đồng không quy định về điều khoản bảo hành). Nếu trong hợp đồng không có quy định về việc bảo hành, theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 187 thì DN không được tạm xuất.
Với những quy định trên, Cục Hải quan Hà Nội cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể tránh tình trạng DN lợi dụng theo quy định tại Thông tư 128 để không bị quản lý theo quy định tại Nghị định 187 để TNTX các loại hàng hóa trên mà không phải chịu sự quản lý của cơ quan chuyên ngành.
Liên quan đến kiểm dịch hàng hóa, Thông tư 40/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chưa rõ ràng. Cụ thể: Thông tư 40 quy định một số mặt hàng như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc thực vật thuộc diện phải kiểm dịch thực vật. Các sản phẩm từ gỗ bao gồm rất nhiều loại sản phẩm khác nhau (tủ, bàn, đồ nội thất, đồ làm bếp, văn phòng phẩm… làm bằng gỗ); gỗ và các sản phẩm của gỗ (không phân biệt gỗ đã qua chế biến hay chưa qua chế biến). Các loại bao bì đóng gói, vật liệu chèn lót… có nguồn gốc thực vật (thùng đựng hàng, pallet bằng gỗ…). Với phạm vi rộng về các mặt hàng thuộc diện phải kiểm dịch như vậy sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo các đơn vị Hải quan, việc ban hành Danh mục hàng hóa quy định cụ thể đối tượng kiểm tra chuyên ngành là cần thiết, đảm bảo sự thống nhất trong việc thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay việc chồng chéo trong các văn bản hướng dẫn liên quan đến quản lý chuyên ngành hàng hóa XNK đang gây khó khăn cho DN và cơ quan Hải quan. Ví dụ Danh mục tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp được quy định tại hai văn bản vẫn còn hiệu lực là Thông tư 42/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương gồm 32 hóa chất và Thông tư 01/2006/TT-BCT gồm 22 hóa chất.
Nước rút khắc phục
Có thể thấy những bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật hiện nay liên quan đến hàng kiểm tra chuyên ngành đang là rào cản ảnh hưởng lớn đến thời gian thông quan hàng hóa của DN.
Để khắc phục thực trạng này, mới đây Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã họp bàn để đánh giá về vướng mắc, bất cập liên quan đến kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định, Bộ sẽ nghiên cứu rà soát lại văn bản liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành để khắc phục những bất cập hiện nay.
Tổng cục Hải quan cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Đặc biệt, trong tháng 9 này, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức các đoàn khảo sát liên ngành để đánh giá thực trạng công tác kiểm tra chuyên ngành tại một số địa phương có lưu lượng hàng hoá XNK lớn. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Tổng cục Hải quan nhằm thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về tăng cường quản lý và cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Cuộc khảo sát nhằm đánh giá đúng thực tiễn công tác kiểm tra chuyên ngành, góp phần đưa ra các giải pháp hiệu quả cho đề án mà Tổng cục Hải quan đang dự thảo báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt, đó là Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK tại cửa khẩu”.
Theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan, đoàn khảo sát sẽ làm việc tại Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh với các thành phần liên quan gồm: Tổng cục Hải quan (Lãnh đạo Tổng cục, Cục Giám sát quản lý và Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa XNK), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối), Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, Cục An toàn thực phẩm) và Bộ Công Thương (các đơn vị chức năng quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quản lý an toàn thực phẩm).
Theo báo Hải Quan.