Theo khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB), bình quân phải mất 21 ngày để XK, NK hàng hóa, trong khi so với khu vực là 13, 14 ngày nên còn rất cao. Ông có nhận định gì về cách đánh giá của WB?
Về vấn đề này, tôi muốn trao đổi thêm chỉ số hoạt động logistics - LPI, trong đó có các chỉ số thành phần như hiệu quả của các thủ tục, chất lượng cơ sở hạ tầng liên quan trực tiếp đến thời gian thực hiện thông quan được WB công bố lần đầu vào năm 2007, lần thứ 2 vào 2010 và sau đó 2 năm/1 lần, liên tục Việt Nam đứng ở vị trí 53/155 quốc gia trên thế giới.
Đây là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh năng lực cạnh tranh quốc gia. Còn theo khảo sát lần này của WB, bình quân ở Việt Nam phải mất 21 ngày để XK, NK hàng hóa, trong khi khu vực là 13, 14 ngày. Đây là những đánh giá độc lập của WB và họ thực hiện theo cách tiếp cận của họ. Tôi cho rằng đây chỉ là một cơ sở quan trọng để xem xét lại thực tế hiện nay ở nước ta về thời gian làm thủ tục XNK.
Đồng thời, cho thấy thời gian thực hiện thông quan, giải phóng hàng của Việt Nam hiện còn rất cao so với các nước (ở mức 161,5%). Tuy nhiên, cũng như chỉ số hoạt động logistics - LPI như tôi nói ở trên mà WB công bố từ năm 2007 đến nay, Việt Nam luôn đứng ở vị trí 53/155 nước cho thấy cách đánh giá, thu thập thông tin cũng như tiêu chí đánh giá của WB có những điều có thể chưa thật sự sát với thực tế Việt Nam và làm nảy sinh nhiều ý kiến về tính sát thực của chỉ số này ở Việt Nam.
Ngành Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành, một số hiệp hội DN tiến hành đo thời gian giải phóng hàng, trong đó xác định cụ thể thời gian thông quan hàng hóa thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành và của cơ quan Hải quan. Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của việc này, thưa ông?
Ngành Hải quan phối hợp với các bộ, các ngành tiến hành đo thời gian giải phóng hàng hóa nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải trong thời gian vừa qua là rất cần thiết và đúng với vị trí, vai trò quan trọng của dịch vụ hải quan trong chuỗi dịch vụ logistics hiện nay. Điều này góp phần thúc đẩy hoạt động XNK, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, tăng thu ngân sách cho Nhà nước.
Ngành Hải quan cần có sự phối hợp với các bộ, ngành tiến hành đo thời gian giải phóng hàng một cách khách quan, chính xác, phân định rõ giới hạn, phạm vi để xác định đúng thời gian từ lúc hàng cập cảng/cửa khẩu đến khâu giải phóng hàng (hàng rời khỏi cảng/cửa khẩu).
Theo kết quả đo thời gian giải phóng hàng của ngành Hải quan, chỉ có 28% tổng lượng thời gian thông quan thuộc về ngành Hải quan, còn lại 72% liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Điều đó phải chăng cho thấy, muốn cắt giảm thời gian thông quan không thể chỉ dựa vào sự cố gắng của một mình cơ quan Hải quan, thưa ông?
Tôi cơ bản đồng tình với ý kiến trên, vì thời gian giải phóng hàng hóa XNK từ khâu hàng cập cảng/cửa khẩu đến khâu giải phóng hàng liên quan đến nhiều loại dịch vụ logistics, do nhiều đơn vị thực hiện thuộc nhiều cơ quan, bộ, ngành khác nhau như vận tải, giao nhận, hải quan, kho bãi, dịch vụ cảng và sau cảng, công nghệ thông tin… Thời gian quyết toán tàu, giải phóng hàng hóa XNK phụ thuộc rất lớn vào các hoạt động dịch vụ trên.
Một nghiên cứu gần đây của chúng tôi về sự chậm trễ dịch vụ logistics ở Việt Nam cho thấy do rất nhiều nguyên nhân, có tới 72,22% ý kiến DN là do thời gian vận tải và cơ sở hạ tầng logistics; 36,9% do thủ tục hải quan; 33,73% là do thời gian giao nhận hàng hóa và lưu kho; 27,78% là do các khoản chi phí không chính thức; 22,22% là do khâu kiểm tra hàng hóa; 21,43% do chính sách và quy định hiện hành…
Vì vậy, muốn cắt giảm thời gian giải phóng hàng hóa rõ ràng là không chỉ dựa vào cơ quan Hải quan. Nhưng trong quá trình vận động hàng hóa XNK, khâu thủ tục hải quan luôn giữ một vai trò rất quan trọng, nó sẽ quyết định đẩy nhanh hay làm chậm lại các khâu khác.
Vậy nên có một cơ chế phân định trách nhiệm rõ ràng như thế nào với các bộ, ngành có liên quan trong việc giảm thời gian thông quan hàng hóa, thưa ông?
Rõ ràng để giải quyết vấn đề mang tính liên ngành trên đòi hỏi phải có sự nỗ lực và trách nhiệm cao của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động thông quan hàng hóa XNK; đòi hỏi tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức, người lao động ở các khâu và phải đứng trên quan điểm logistics để giải quyết bài toán thông quan hàng hóa vì lợi ích của quốc gia và cộng đồng DN. Về dài hạn, để giảm được thời gian giải phóng hàng và nâng cao tính trách nhiệm của các bộ, ngành, Chính phủ phải sớm có quy hoạch phát triển hệ thống logistics của Việt Nam.
Trong đó đặc biệt quan trọng là quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics kết nối với các cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế và hệ thống giao thông trong khu vực theo hướng đa phương thức và cuối cùng là việc thành lập Ủy ban logistics quốc gia cũng cần được tính đến để kết nối các bộ, các ngành liên quan.
Qua đó, phân định và nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình quản lý hiệu quả các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, hạn chế được tư tưởng cục bộ, lợi ích ngành, lợi ích nhóm trong cung ứng hàng hóa cho XNK.
Vai trò của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội DN dịch vụ Logictics Việt Nam và các hiệp hội có liên quan khác thể hiện như thế nào trong việc góp phần giảm thời gian giải phóng hàng, thưa ông?
Trong bối cảnh mở cửa thị trường dịch vụ logistics trong ASEAN và WTO, vai trò của các hiệp hội này là rất quan trọng. Ngay cả trong việc tiến hành triển khai đo thời gian giải phóng hàng của Tổng cục Hải quan không thể thiếu vai trò của các hiệp hội trên làm cầu nối giữa DN với Nhà nước và các ngành để nắm bắt cũng như đề xuất về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động logistics.
Để góp phần giảm thời gian giải phóng hàng, vai trò quan trọng của Hiệp hội dịch vụ logistics và Hiệp hội Cảng biển Việt Nam là tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò logistics, giới thiệu chủ trương, chính sách của Nhà nước tới các DN, hiệp hội, nhất là phải coi nhiệm vụ và trách nhiệm tham gia quá trình đo thời gian làm thủ tục XNK là công việc của chính DN và vì lợi ích của cộng đồng DN, để tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm nhằm có được kết quả chính xác và minh bạch.
Chính phủ đề ra mục tiêu năm 2015 giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK ngang bằng với mức bình quân của các nước ASEAN-6. Ông đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu này như thế nào, thưa ông?
Còn hơn 3 tháng nữa là đến năm 2015, nên mục tiêu giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK ngang bằng với mức bình quân của các nước ASEAN - 6 là rất khó khăn, Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khi mà thời điểm hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN đang cận kề.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Hải Quan.