Hàng chục loại phí và phụ phí vận tải biển hiện nay đang trở thành gánh nặng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong tháng 7, tháng8 vừa qua,Cục Hàng hải Việt Nam đã nhận được nhiều công văn và ý kiến của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam về việc các cảng biển, hãng tàu đồng loạt tăng phí kẹt cảng với lý do cảng Cát Lái bị ùn tắc.Thế nhưng, sau khi cảng Cát Lái đã đi vào ổn định, không còn hiện tượng kẹt nữa, nhiều hãng tàu vẫn tiếp tục giữ loại phí này đồng thời một số hãng khác còn ra thông báo tăng từ tháng 9/2014.
Tuy nhiên, phí kẹt cảng mới chỉ là một trong hàng chục loại phí mà các hãng tàu đưa ra cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Trong hàng chục loại phí như phí dịch vụ container, phí mất cân đối container, phí vệ sinh container, phí hóa đơn... có nhiều loại phí mà bản thân các doanh nghiệp cũng không rõ tại sao lại có khoản phí này.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: “Trước năm 2007, chúng ta gộp tất cả các phí đó vào trong cước vận tải. Trong quá trình minh bạch hóa, người ta tách dần ra thành các loại phí và phụ phí khác nhau.
Hiện nay, hệ thống Nhà nước chưa quản lý được mà do các hãng tàu thực hiện và như vậy đặt ra vấn đề rất lớn cho Nhà nước và quan hệ ba bên là hãng tàu - doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cảng biển”.
Mỗi năm các hãng tàu nước ngoài lại có thêm một khoản phí mới và tăng giá cước thường xuyên. Những khoản phí này đều do các hãng tàu đặt ra, không có lộ trình cụ thể nào, cũng như không sự thỏa thuận với các doanh nghiệp. Điều đáng nói ở đây là 100% lượng hàng đóng bằng container đều do các tàu nước ngoài vận chuyển. Vì thế các doanh nghiệp Việt Nam dù không muốn cũng không có sự lựa chọn nào khác.
Những khoản phí và phụ phí vô lý đã gây thiệt hại thế nào cho các doanh nghiệp xuất khẩu? Sự thụ động của các doanh nghiệp xuất khẩu vào các hãng tàu đang cảnh báo những nguy cơ gì?
Đây là nội dung được đưa ra trao đổi với ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Theo Cafef