Qua hơn năm tháng triển khai các biện pháp xử lý xe quá tải, địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến khá tích cực. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt được những kết quả bền vững, các ngành chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông thành phố đã phối hợp kiểm tra hơn chín nghìn lượt xe, xử lý 5.200 xe vi phạm quá tải, phạt hơn 20 tỷ đồng; phạt 4.075 chủ xe hơn 18 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 5.200 trường hợp.
Từ con số nêu trên, có thể thấy công tác kiểm tra đã được triển khai quyết liệt và kéo dài hơn những "chiến dịch" trước đây. Lâu nay, dường như các cơ quan chức năng chỉ ra quân ồ ạt trong một thời gian ngắn, sau đó lại để mọi thứ lặp lại như cũ khiến cho rất nhiều doanh nghiệp và tài xế xe tải "lờn luật". Với số lượng lớn lái xe vi phạm, dễ nhận ra rằng các biện pháp kiểm soát xe quá tải hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả tối đa và bền vững. Các biện pháp như đặt trạm cân, xử phạt hành chính... vẫn chỉ là cách xử lý ở "phần ngọn" khi xe đã lưu thông trên đường. Các cơ quan chức năng hiện cũng rất lúng túng trong việc yêu cầu lái xe hạ tải do thiếu mặt bằng, bến bãi. Để "né" trạm cân, từng xuất hiện tình trạng lái xe nằm chờ "thời cơ" để qua trạm gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên một số tuyến đường.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Tổng Cục đường bộ (Bộ GT-VT), thời gian qua, 29 cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã có những động thái phối hợp, tuân thủ quy định về kiểm soát xe quá tải. Tuy nhiên, không phải ở đơn vị nào cũng triển khai nghiêm túc.
Tại buổi làm việc với đại diện 29 đơn vị cảng biển mới đây ở TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ GT-VT sẽ kết hợp với Bộ Công an và các địa phương thực hiện quyết liệt, triệt để, đồng bộ trong việc kiểm soát tải trọng ở tất cả các cảng, từ cảng lớn đến cảng nhỏ; từ cảng của nhà nước đến các cảng cổ phần, liên doanh để không bỏ lọt bất cứ xe nào quá tải hoạt động trên đường.
Bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt quy định về kiểm soát xe quá tải như Cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) với hệ thống tự động quản lý tải trọng phương tiện giao nhận hàng hóa; hệ thống kiểm soát tải trọng xe vào xếp dỡ hàng hóa của Cảng Sài Gòn; quy trình kiểm soát tải trọng xe ở Cảng Bến Nghé..., nhiều đơn vị khác lại "du di" với xe quá tải ra, vào cảng. Thậm chí, đại diện quản lý của một cảng biển còn xin Bộ GT-VT được "đặc cách" không kiểm tra tải trọng trong trường hợp có xảy ra ùn ứ.
Thực tế, hoạt động vận tải hiện nay được các đơn vị vận tải thực hiện từ nhiều đầu mối. Cảng biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp là nơi hàng hóa được lưu thông với số lượng rất lớn. Thời gian qua, các điểm tập kết hàng hóa này chưa được cơ quan chức năng kiểm soát xe quá tải. Theo thống kê, chỉ có khoảng một phần ba trong số hơn 700 triệu tấn hàng hóa lưu thông bằng đường bộ hằng năm trên cả nước, xuất phát từ các cảng. Nghĩa là, một lượng lớn hàng hóa được lưu thông từ các nguồn khác.
Để có thể quản lý nguồn hàng này được vận chuyển đúng tải, Hiệp hội Vận tải hàng hóa cho rằng, các ngành chức năng nên phối hợp với hiệp hội trong việc chống xe chở quá tải. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị trong việc bốc xếp hàng hóa thay vì chỉ quy trách nhiệm cho một mình lái xe như hiện nay.
Hoạt động này cũng cần phải được tiến hành thường xuyên để bảo đảm không sót lọt xe quá tải, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của doanh nghiệp, lái xe nhằm hướng đến mục tiêu chung là bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Theo Nhân Dân