Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 11752/BGTVT-KHCN, chiều 07/10, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức họp trực tuyến về kiểm tra giám sát các tàu biển hạn chế hoạt động đúng vùng cho phép. Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng trực tiếp điều hành Cuộc họp.
Tham dự họp tại đầu cầu Hà Nội có đại diện các phòng tham mưu: AT-ANHH, PC, KHCN-MT, VT&DVHH; lãnh đạo các Cảng vụ Hàng hải: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh; đại diện Cục ĐKVN và 20 điểm cầu tại 20 Cảng vụ hàng hải trên cả nước.
Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép (QCVN 21:2010/BGTVT) theo Thông tư số 12/2010/TT-BGTVT ngày 21/4/2010 của Bộ trưởng Bộ GTVT, tàu biển có thể được thiết kế và đóng mới để hoạt động tại 4 vùng biển khác nhau, bao gồm vùng biển không hạn chế và 3 vùng biển hạn chế: Vùng biến hạn chế I: cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 200 hải lý; vùng biến hạn chế II: cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 50 hải lý; vùng biển hạn chế III: cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 20 hải lý.
Thời gian qua xuất hiện tình trạng các chủ tàu đóng các tàu mang cấp biến hạn chế III nhưng khi khai thác lại không thực hiện đúng quy định về khai thác ven bờ mà chạy tắt để tiết kiệm thời gian và dầu đốt, dẫn đến có những điểm chạy cách bờ trên 100 hải lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thất lớn về người và tài sản trong trường hợp xảy ra sự cố. Việc khai thác ngoài phạm vi được thiết kế và phân cấp cho tàu đã xảy ra một cách phổ biến mà không được kiểm soát trong thời gian dài.
Qua báo cáo của các Cảng vụ hàng hải cho thấy, nhiều năm qua chưa có vụ tai nạn hàng hải nào xảy ra xuất phát từ nguyên nhân tàu hạn chế III hoạt động ngoài phạm vị 20 hải lý. Do vậy, việc quy định phạm vi vùng hoạt động cho tàu biển cấp hạn chế III là không còn phù hợp; đối với tàu biển cũng chỉ nên chia thành 2 loại: tàu hoạt động tuyến quốc tế (phân theo GT) và tàu hoạt động trong vùng biển Việt Nam (phân theo cấp gió, cấp sóng)…
Theo ý kiến của các Cảng vụ hàng hải, do tàu hoạt động trong vùng hạn chế III tuyến nội địa không có yêu cầu trang bị AIS nên các Cảng vụ không có đủ điều kiện để giám sát hành trình của tàu; chỉ có thể dựa vào các nhật ký tàu và kế hoạch chuyến đi của thuyền trưởng để kiểm tra - Điều này đòi hỏi phải có quy định cụ thể cho loại tàu này… Riêng đối với Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, cần bỏ quy định về vùng biển hạn chế I, II, III, tuy nhiên không miễn giảm đối với độ ổn định, kết cấu, trang bị dự phòng… Các đại biểu tham dự họp cũng đề xuất một số giải pháp và kiến nghị để quản lý vùng hoạt động đối với tàu mang cấp biển hạn chế III.
Kết luận Cuộc họp, Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải trước mắt cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật hàng hải cho các chủ tàu, thuyền trưởng để họ nâng cao ý thức chấp hành các quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát các tàu hoạt động trên biển; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trên biển, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng để ngăn ngừa, phát hiện và xử phạt những tàu biển vi phạm vùng hoạt động…
Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng cũng cho biết, Cục Hàng hải đang tổng hợp các ý kiến về Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, trình Bộ GTVT xem xét để chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và đảm bảo an toàn cho các tàu hoạt động trên biển.
Theo Cục hàng hải Việt Nam