|
Ngày 5/10, tại cảng Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Giao thông Vận tải chính thức công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang chia làm hai tuyến là Quảng Bình đến Bình Thuận và Kiên Giang đến Bình Thuận.
Phạm vi hoạt động của các tuyến này cách bờ không quá 12 hải lý, dành cho phương tiện thủy nội địa mang cấp SB (sông pha biển).
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, qua tổng kết tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh đến Bình Thuận đã phát huy hiệu quả chia lửa cho giao thông đường bộ, qua đó giảm tình trạng tai nạn giao thông, giảm tình trạng xe chở quá tải trọng trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm giá cước vận tải. Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định mở tiếp hai tuyến vận tải này.
Như vậy, 2 tuyến vận tải ven biển mới này sẽ nối vào tuyến đang hoạt động là Quảng Ninh-Quảng Bình tạo thành tuyến vận tải ven biển thông suốt từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
Tuyến Quảng Bình đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 858km đi qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tuyến Kiên Giang đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 700km đi qua các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Qua khảo sát của Cục Hàng hải Việt Nam, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên các tuyến vận tải này là rất lớn.
Chỉ tính riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt khoảng 51,5 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu vận chuyển hơn 2,1 triệu tấn vật tư, cấu kiện bêtông, để cung ứng cho dự án thi công luồng tàu biển vào sông Hậu và các công trình phụ trợ được đúc tại bãi ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
Còn tại Bình Thuận, nhu cầu vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ xây dựng nhà máy Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân cũng như thi công các công trình bến cảng chuyên dùng Vĩnh Tân cũng rất lớn.
Cũng theo Cục Hàng hải Việt Nam, tại khu vực Đà Nẵng các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa như xăng dầu, clinker, phân bón, gỗ, sắt thép… khối lượng trên 400.000 tấn/năm.
Các mặt hàng nói trên chủ yếu cần vận chuyển từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và chiều ngược lại.
Bên cạnh đó, một số loại hàng cần vận chuyển từ khu vực Đà Nẵng đi Quy Nhơn (Bình Định).
Hiện tại, theo báo cáo của các doanh nghiệp trên tuyến này hiện nay chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ.
Để nâng cao an toàn hơn nữa cho các hoạt động trên tuyến ven biển, ông Trần Đức Lanh, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và vận tải Thái Hà (hiện có 10 tàu đang hoạt động trên các tuyến ven biển) kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải tạo điều kiện giúp đỡ hướng dẫn phổ biến về thủ tục tàu thuyền ra vào bến cảng biển, quy định về an toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, đào tạo thuyền viên... cho các doanh nghiệp tham gia các tuyến vận tải này.
Theo tổng kết sau khi tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh đến Quảng Bình, nhiều doanh nghiệp hiện đã chuyển sang vận tải ven biển do giá cước rẻ hơn so với vận chuyển đường bộ.
Báo cáo của các doanh nghiệp gửi về Cục Hàng hải Việt Nam, cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20 feet vào khoảng 10 đến 12 triệu đồng; đi Nghệ An-Hà Tĩnh khoảng 18 đến 20 triệu đồng.
Trong khi vận tải bằng đường thủy từ Hải Phòng đi Thanh Hóa chỉ 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An-Hà Tĩnh khoảng 3 đến 3,2 triệu đồng. Về thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi Thanh Hóa bằng đường bộ khoảng 6 giờ, trong khi bằng đường thủy khoảng 10 giờ./.
Theo VIETNAM+
|