|
Ấn tượng trong lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam năm 2014 là sự kiện: lần đầu trong lịch sử ngành nông nghiệp nước ta đã vượt kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD (30,86 tỷ USD), tăng 11,2% so năm 2013. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là cà-phê tăng 32,2%, hạt điều tăng 21,1%, hồ tiêu tăng 34,1%, rau quả tăng 34,9%, thủy sản tăng 18%, lâm sản và đồ gỗ tăng 12,7%, và gạo (không kể tiểu ngạch) tăng 5,3%...
2014 - năm của những kỷ lục
Ðiều đáng lưu ý là đã có 10 mặt hàng nông sản lọt vào "câu lạc bộ xuất khẩu" đạt kim ngạch từ một tỷ USD trở lên, gồm gạo, cà-phê, cao-su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Ðiều đáng lưu ý nhất, bên cạnh tốp nông sản xuất khẩu vẫn giữ được phong độ cao: Thủy sản đạt 7,92 tỷ USD, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 6,54 tỷ USD, cà-phê đạt 3,6 tỷ USD, hạt điều đạt hai tỷ USD đã xuất hiện nhiều "hiện tượng của năm" khi một số mặt hàng như rau, quả đạt 1,47 tỷ USD và với kim ngạch xuất khẩu và hạt tiêu đạt tới 1,2 tỷ USD lần đầu tiên lọt vào "Câu lạc bộ tỷ USD".
Một điều đáng ghi nhận khác, dù hàng nông sản xuất khẩu năm qua tiếp tục phải đối diện với chướng ngại vật lớn mang tên "hàng rào kỹ thuật" trong quá trình xuất khẩu vào các thị trường khó tính khi có hai lô hàng rau, quả Việt Nam xuất sang EU dính sâu đục quả khiến những doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nằm trong diện nguy cơ cao bị ngừng xuất khẩu. Cùng thời gian, nhiều doanh nhân ở Khánh Hòa xuất khẩu cá ngừ đại dương đi Mỹ đã bị trả lại hàng vì không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vì cá nhiễm vi sinh như khuẩn E.Coli, Salmonella... Nhưng bước sang quý IV năm 2014, nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã nhận được nhiều tin vui: sau khi Nga quyết định mở cửa trở lại cho bảy doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đến lượt Bộ Nông nghiệp Mỹ quyết định từ ngày 6-10-2014 cho phép Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hai loại trái cây là nhãn và vải. Và đến tháng 12, lô nhãn đầu tiên đã được xuất khẩu sang Mỹ và hiện đã đàm phán mở cửa xong cho quả vải thiều xuất khẩu trong năm 2015...
Từ những tín hiệu dự báo mang tính lạc quan này, năm 2015, ngành nông nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 3,0 đến 3,3%; Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt 32 tỷ USD. Khoảng cách từ con số 30,8 tỷ USD đã đạt được năm 2014 đã qua và mục tiêu phấn đấu trong năm 2015 (32 tỷ USD) là không lớn, nhưng muốn đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải có những thay đổi lớn trong chính sách điều hành thị trường, điều hành xuất khẩu, đặc biệt là sự nỗ lực lớn từ đội ngũ doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp.
Từ "bài học vải thiều 2014"
Theo nhận định chung, để giữ vững được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2015, điều trước hết, chúng ta phải giải quyết cho được yếu tố quan trọng số 1: Thị trường. Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng việc thị trường xuất khẩu nông sản bị thu hẹp lại do thị trường lớn Trung Quốc đóng cửa. Ðó là một ý kiến không sai, khi thị trường Trung Quốc chiếm hơn 40% sản lượng xuất khẩu gạo và một số nông sản như cao-su, đặc biệt là có tới 85% số sản phẩm sắn được xuất sang thị trường này. Tuy vậy, nhìn rộng ra và phân tích sâu hơn thì nhiều trường hợp nông sản bị co rút thị trường không hoàn toàn vì vấn đề phụ thuộc vào một thị trường nào đó, mà chủ yếu lại là do nhận thức, phương pháp tiếp cận thị trường còn có những bất cập.
Một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng này đang được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản chúng ta phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, bổ sung cho nhau: cố gắng duy trì và giữ những thị trường lớn và truyền thống, đồng thời cũng phải tích cực mở rộng, khai phá thêm những thị trường mới, tránh sự phụ thuộc thái quá vào một thị trường nào đó một cách thụ động. Hơn thế, việc tìm kiếm thị trường không chỉ là chuyện riêng của giới doanh nghiệp mà còn là câu chuyện chung của cả Chính phủ, các cấp, ngành, doanh nghiệp và cả người nông dân trong nỗ lực tìm kiếm một chính sách điều hành thị trường hợp lý, chính xác và hiệu quả. Ðến đây, cần phải nhắc lại niên vụ thắng lợi của vải thiều Lục Ngạn về cả sản lượng, thị trường và doanh thu của năm 2014 như một thí dụ về sự kết hợp thành công đó.
Trên cơ sở thông tin dự báo về tình hình sản lượng vải được mùa nhưng thị trường xuất khẩu năm 2014 có thể biến động sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng phối hợp Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan hải quan, ngành công thương tỉnh Bắc Giang tổ chức nhiều đoàn công tác và ba hội nghị xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh. Các hoạt động này nhận được sự hưởng ứng và đã mang lại hiệu quả tích cực, giữ vững tỷ lệ xuất khẩu và đặc biệt là tiếp cận mạnh mẽ thị trường trong nước. Tỷ trọng tiêu thụ tại thị trường trong nước tăng lên hơn 50% so với mức 20 đến 30% trung bình của các năm trước, trong đó sức tiêu thụ của thị trường phía nam tăng mạnh, giá bán cao. Ðồng thời, vải thiều cũng xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Xin-ga-po, Thái-lan... Ðặc biệt, có 20 tấn vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo quản bằng công nghệ tế bào (CAS) đã chinh phục được thị trường Nhật Bản. Dư luận đang kỳ vọng, thành công của vụ vải thiều năm 2014 sẽ là những gợi ý quan trọng để chúng ta có những thay đổi mới trong điều hành xuất khẩu những nông sản hay bị dồn ứ, ép giá tại khu vực biên giới phía bắc như cao-su, hoa quả tươi... thời gian tới.
Có một điều đáng lưu ý, trong năm 2014, vai trò của đội ngũ doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp đã được đề cao, xem trọng. Ðây là một quan điểm hoàn toàn đúng và cần được duy trì trong thời gian tới, bởi muốn nền nông nghiệp nói chung và xuất khẩu nông, thủy sản nói riêng cất cánh được, đội ngũ này cần được xem như là hạt nhân của mọi chính sách ưu đãi, đầu tư phát triển. Ðược biết, cả nước hiện có 3.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chỉ chiếm 1,6% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước nhưng đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2013, có 1.020 doanh nghiệp được thành lập mới, giảm 14% so với năm 2012, nhưng giải thể và ngừng hoạt động lên đến 1.330 doanh nghiệp. Trước những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, một loạt các giải pháp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành đồng bộ trong năm qua, điển hình như nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tìm giải pháp tháo gỡ những bất cập về nguồn vốn, xây dựng chính sách hỗ trợ cho người nông dân và doanh nghiệp cơ giới hóa sản xuất; điều chỉnh cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật và tạo điều kiện cao nhất để doanh nghiệp chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp mới tổ chức tại Hà Nội ngày 25-12 vừa qua, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh: Mặc dù nông nghiệp có mức tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 30 tỷ USD, thặng dư 10 tỷ USD và làm giảm áp lực cân đối vĩ mô, song số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp còn quá thấp, trong khi đây lại là khu vực tạo ra động lực để thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu không có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp thì không thể có nền nông nghiệp sản xuất lớn.
"Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2014 đạt gần 31 tỷ USD là một con số rất ấn tượng. Nhưng theo tôi, dư địa để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015 và những năm tiếp theo vẫn còn rất lớn. Bởi tiềm năng sản xuất trong nước cũng như thị trường tiêu thụ quốc tế vẫn còn rất dồi dào". (Phó Thủ tướng HOÀNG TRUNG HẢI phát biểu ý kiến tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2014)
Theo Báo Nhân Dân
|