Tại diễn đàn “Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2015” diễn ra ngày 16-4, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua có mức tăng trưởng tương đối tốt 13-15%. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại sau 20 năm liên tiếp nhập siêu.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương dự báo, năm 2015, Việt Nam có thể quay lại nhập siêu khoảng 6-8 tỷ USD.
Diễn biến Việt Nam đạt thặng dư thương mại cùng với việc nhập siêu quay lại, ông Hải cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam ở vị thế bấp bênh, chưa bền vững khi bị phụ thuộc vào thị trường thế giới, giá trị gia tăng của nhiều mặt hàng đem lại không nhiều.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, xuất khẩu trong năm 2015 sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cơ hội mở ra từ những hiệp định thương mại tự do là không thể phủ nhận.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, một loạt các hiệp định thương mại đã và đang được ký kết sẽ mở ra cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội để đến với các thị trường tiềm năng như EU, Mỹ, châu Âu và các nước đang nổi tại châu Á.
Đặc biệt, Hiệp định kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay, sẽ mở rộng sự lựa chọn của doanh nghiệp trên thị trường không chỉ tại Mỹ mà ở các thị trường còn lại trong TPP, giúp DN giảm các yếu tố trung gian, chuyển sang mua bán trực tiếp.
Do vậy, doanh nghiệp cần tận dụng tốt những thuận lợi hoá thương mại trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm… để thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Theo ông Hải, các doanh nghiệp thời gian qua đã tận dụng được các hiệp định thương mại một cách hiệu quả. Cụ thể, thị trường ASEAN, trong 20 tỷ USD xuất khẩu sang thị trường này, có 5 tỷ USD do tận dụng lợi thế thuế quan thông qua việc sử dụng C/O mẫu D. Thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ này là 33%.
Riêng thị trường Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 7 tỷ USD nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thông qua hiệp định thương mại lên tới 85%.
Theo báo Hải Quan.