Hiệu quả chưa cao
Các DN logistics Việt Nam phần lớn vẫn còn nhỏ lẻ, đơn nhất, chỉ cung cấp dịch vụ vận tải, lưu kho, lưu bãi và làm thủ tục, giấy tờ liên quan đến hoạt động XNK, vận chuyển hàng hóa. Những DN logistics lớn, cung cấp các dịch vụ trọn gói thường là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Với thực trạng logistics trong nước như thế, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công Thương công bố vào gần cuối năm 2014, chi phí logistics ở Việt Nam chiếm 20,9% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm 56%. Đây là lượng chi phí còn rất cao so với các nước phát triển, nơi có chi phí từ 9-15% GDP.
Theo ông Nguyễn Hoàn Cầu, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, đối với các DN ngành xi măng, vấn đề về thủ tục, kho bãi hay phân phối không còn đáng ngại bởi nhiều DN xi măng lớn hoàn toàn có thể tự cung cấp hoặc nếu có thuê ngoài cũng khá thuận lợi. Khó khăn lớn nhất của DN xi măng là vận tải dù trên đường bộ, đường sắt hay đường thủy. Theo thống kê mới đây từ Bộ Công Thương, chi phí sản xuất xi măng tăng từ 3-5% do vận chuyển, đây là một con số không hề nhỏ.
Nguyên nhân của việc tăng phí trên là do vận tải bằng đường bộ tốn nhiều chi phí bởi chủ trương siết tải trọng phương tiện. Nhận thức được khó khăn này nhưng DN lại chưa thể tận dụng đường thủy hay đường sắt vì năng lực của hai hệ thống giao thông này còn yếu kém, các DN vận tải chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển.
Cũng là khó khăn về vận tải, đại diện Công ty TNHH tiếp vận Dasuka cho biết, khi công ty nhận những đơn hàng có khối lượng lớn lên đến 40-50 tấn, việc xin giấy phép hay thuê xe đều gặp khó khăn. DN muốn xin giấy phép chở hàng quá khổ với Bộ GTVT thường phải mất 7-15 ngày làm việc, thời gian này là quá lâu nếu DN cần chuyển hàng gấp. Hơn nữa, việc thuê xe tải chuyên dụng cũng rất khó khăn vì loại xe này không những hiếm mà chi phí thường rất đắt đỏ. Đối với các bất cập này, DN ngành công nghiệp nặng hay DN chuyên chở hàng nặng vẫn đang phải mặc nhiên chấp nhận.
Nhận xét về hiệu quả của logistics chưa cao, nhìn nhận từ phía DN làm logistics, ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận quốc tế Interlog cho hay, các DN logistics phần lớn là DN chỉ làm một công đoạn nhất định trong logistics mà lại không có sự liên kết lẫn nhau khiến chi phí gia tăng, gây khó khăn cho DN.
Mong chờ thay đổi
Trong logistics còn bao hàm nhiều chức năng khác mà DN Việt Nam chưa biết tận dụng và khai thác. Ông Nguyễn Huy Quân, Giám đốc Công ty TNHH dầu mỡ Quân Sen cho biết, các DN vẫn chỉ chú trọng logistics ở khâu vận tải mà quên mất vai trò điều tiết hàng hóa, giúp DN thuận lợi hơn trong khâu phân phối, tăng khả năng cạnh tranh. Nguyên nhân vì chưa có nhiều DN logistics có khả năng làm đến 3PL (tích hợp trọn gói), chủ yếu là làm “gia công” một công đoạn nào đấy, đi thuê lại của nhau nên chi phí cho trung gian đổ hết vào đầu DN.
Chính vì thế, theo ông Quân, ngành công nghiệp nặng của Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn nếu logistics chưa phát triển theo đúng tầm mức của nó, chưa cải thiện được cơ sở hạ tầng, dịch vụ. Do đó, Công ty Quân Sen luôn phải tìm những cách vận tải, giao nhận mới giúp làm giảm chi phí cho khâu quan trọng này.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàn Cầu cho rằng, Nhà nước đã mở rộng thêm tuyến vận tải ven biển từ Bắc vào Nam, nhưng DN cần có đội tàu chuyên chở. DN xi măng mong muốn phát triển tuyến vận tải thủy này hơn nữa, cung cấp đội tàu chuyên dụng đạt chất lượng và quan trọng là phải tránh được những phụ phí vô lý từ bến bãi, tàu thuyền. Mặt khác, đại diện của Hiệp hội Xi măng Việt Nam mong muốn, việc kiểm soát tải trọng nên có chính sách ưu tiên cho các DN công nghiệp nặng vì các xe chở xi măng là xe chuyên dụng, được thiết kế để chuyên chở hàng nặng mà không gây ảnh hưởng đến giao thông, cầu đường…
Cũng nói về vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Thép công nghiệp Hà Nội cho biết, các dịch vụ về vận tải, thủ tục giấy tờ cho logistics đều được công ty thuê ngoài ở một công ty logistics chuyên nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên chất lượng dịch vụ tốt hơn. Do đó, các DN logistics Việt Nam cần có sự thay đổi trong phương thức hoạt động, chuyên nghiệp, dịch vụ chu đáo hơn thì sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng, vì chắc chắn, các DN trong nước sẽ đưa ra giá thành rẻ hơn.
Tuy nhiên, xét trên góc độ kinh doanh đôi bên cùng có lợi, muốn logistics thay đổi thì tự bản thân các DN cũng phải có sự thay đổi. Theo ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận quốc tế Interlog, muốn thay đổi, ngành logistics cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều bên từ các cơ quan chức năng cho đến bản thân DN. DN dù ở lĩnh vực nào, chiếm tỷ trọng nhiều hay ít cũng phải có sự hợp tác với DN logistics để tìm ra tiếng nói chung, thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Theo báo Hải Quan.