|
Vingroup có tên trong nhóm các doanh nghiệp tư nhân quan tâm đến các dự án xã hội hóa ngành đường sắt.
Tập đoàn Vingroup đã chính thức bày tỏ sự quan tâm đến các dự án xã hội hóa ngành đường sắt, theo xác nhận của một lãnh đạo ngành này.
Cụ thể, trong cuộc làm việc sáng 20/4 tại Bộ Giao thông Vận tải về xã hội hóa lĩnh vực đường sắt, đại diện Vingroup đã có mặt cùng đại diện 6 nhà đầu tư khác để ghi nhận những chỉ đạo mới liên quan đến vấn đề này.
Theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, để xúc tiến công tác xã hội hóa ngành đường sắt, đơn vị này đã mời một số nhà đầu tư nghiên cứu các dự án.
Ngoài Vingroup, các doanh nghiệp khác bao gồm Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, Công ty Cổ phần Giao nhận và vận chuyển IndoTran Logistics (ITL), Công ty TNHH Express Trains ATH... để tiến hành khảo sát, đề xuất quy mô công năng của từng công trình, đề xuất quyền khai thác công trình.
Vẫn theo ông Thành, hiện nay đã có những căn cứ pháp lý để cho thuê đầu tư hệ thống kho, bãi hàng thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt, tuy nhiên một số ga hạng 1 của Tổng công ty như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Đăng, Lào Cai, Xuân Giao, Giáp Bát, Yên Viên, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang, Sài Gòn và Sóng Thần có vị trí nằm tại các thành phố lớn, hầu hết có liên quan đến quy hoạch chi tiết đường sắt và các dự án đường sắt đô thị của địa phương, nên cơ chế thu hút đầu tư tư nhân cần phải tháo gỡ nhiều nội dung vượt ngoài thẩm quyền.
Phát biểu về chủ đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng việc hiện đại hóa đường sắt hiện có, nâng tốc độ tàu, chuẩn bị các điều kiện xây dựng tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, ưu tiên một số tuyến trọng điểm như Hà Nội - Vinh đã có chủ trương và các quy định pháp luật cũng tương đối đủ.
Để việc xã hội hóa được đẩy nhanh, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, tập trung đánh giá Luật Đường sắt để đề xuất sửa đổi cho phù hợp, qua đó góp phần xây dựng ngành đường sắt phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Mặt khác, cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch để phê duyệt, rà soát lại các nghị định, quyết định và thông tư liên quan. Đặc biệt là những văn bản liên quan đến xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng...
"Làm quyết liệt nhưng phải trên cơ sở đúng chủ trương và đúng pháp luật", ông Thăng nhấn mạnh.
Trước đó, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã chính thức bày tỏ nguyện vọng được mua lại cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng.
Theo Người đồng hành.
|