Ngày 17-3, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến đã ký thỏa thuận khung về hợp tác mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương với bốn công ty Nhật Bản.
Theo thỏa thuận, hai bên thống nhất trong quý 3 năm nay sẽ thành lập một công ty liên doanh giữa Phú Yên với bốn công ty này để mua, chế biến, bảo quản xuất khẩu cá ngừ đại dương.
Cả bốn công ty là nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tiên đến TP.HCM trên các chuyến bay từ Tokyo ngay sau khi thảm họa động đất tại Nhật (Tuổi Trẻ đã thông tin trong số báo ngày 14-3). Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kensaku Matsumoto cho biết trong năm 2010 ông và đại diện các công ty Nhật này sang Việt Nam hơn mười lần để đi dọc các tỉnh ven biển miền Trung khảo sát nơi có thể triển khai kế hoạch liên doanh hợp tác lâu dài với các đối tác Việt Nam chứ không chỉ là việc mua, xuất khẩu kiếm lợi nhuận đơn thuần.
Ông khẳng định trước mắt phía các công ty Nhật sẽ đưa sang Việt Nam hai tàu đông lạnh với công suất trung bình 100-200 tấn để phục vụ sơ chế, bảo quản cá ngừ vừa đánh bắt ngay trên biển, trữ đông ngay ở điều kiện nhiệt độ -60oC đảm bảo chất lượng cá ngừ tươi hơn so với mức trữ lạnh hiện nay của các tàu Việt Nam chỉ đảm bảo ở khoảng gần -40oC. Các tàu này sẽ cung cấp lương thực, xăng dầu, nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển. Phía các công ty Nhật còn đảm bảo về mặt kỹ thuật, huấn luyện và chuyển giao công nghệ đánh bắt tiên tiến cho ngư dân Phú Yên.
Liên doanh này cũng cam kết mua cá ngừ của ngư dân ngay trên biển sau khi đánh bắt với giá từ 12-20 USD/kg, tìm đầu mối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản và các thị trường khác, xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương tỉnh Phú Yên theo lộ trình hoạt động được thể hiện trong điều lệ công ty liên doanh. Tỉnh Phú Yên có hơn 690 tàu thuyền hành nghề câu cá ngừ đại dương, hằng năm đạt sản lượng khoảng 5.000 tấn.
Theo TTO