Với dân số hơn 80 triệu người, Đức là một trong những thị trường NK lớn tại châu Âu, có tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam trong đó có thủy sản. Hiện nay, có tới 84% hộ gia đình Đức tiêu dùng thủy sản, trong đó có cá ngừ, điều này cũng phù hợp với xu hướng chống béo phì và thực phẩm lành mạnh tại Châu Âu.
Hiện nay, các sản phẩm chế biến sẵn, sơ chế, đóng hộp đang được quan tâm rất nhiều tại Đức. Đối với người tiêu dùng Đức, cả 2 nguồn cung từ NK và nội địa trước tiên đều phải là những sản phẩm có giá, chất lượng và tính tiện dụng chấp nhận được. Nếu như trước kia, thị trường Đức thường quan tâm đến vấn đề giá cả nhiều hơn vấn đề chất lượng sản phẩm, thì từ 10 năm lại đây, thị trường này có vẻ “mở hơn” đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến chất lượng cao.
Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ của Đức từ năm 2006 tới năm 2010 vẫn ổn định. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây đã có sự sụt giảm đôi chút. Mức tiêu thụ cá ngừ tính theo đầu người tại Đức đạt 2kg/năm. Và theo báo cáo của Fisch Informationszentrum, lượng tiêu thụ cá ngừ chiếm gần 11% tổng mức tiêu thụ thủy sản của cả nước Đức. Mặc dù lượng tiêu thụ bình quân theo đầu người giảm nhưng chi tiêu của các hộ gia đình cho các sản phẩm thủy sản, trong đó có cá ngừ tăng.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới, Đức hiện đang là nước NK cá ngừ lớn thứ 8 và lớn thứ 7 về NK cá ngừ đóng hộp trên thế giới. Với thị phần cá ngừ đóng hộp chiếm hơn 3,4%, Đức hiện đang là nước có tốc độ tăng trưởng lớn nhất về NK cá ngừ đóng hộp trong số 7 nước dẫn đầu
Hiện Đức đang NK cá ngừ từ hơn 41 nước trên thế giới. Trong đó, 5 nước đứng đầu là Ecuador (với thị phần chiếm hơn 21%), Philippines (23%), Papua New Guinea (PNG – 12%), Hà Lan (11%) và Việt Nam (9%).
Đức NK cá ngừ tươi của từ các nước đang phát triển chiếm khoảng 40% tổng sản lượng NK. Từ năm 2006 đến năm 2011, sản lượng cá ngừ tươi NK vào Đức từ các nước đang phát triển giảm 86%. Và để bù đắp lại lượng thiếu hụt này, Đức đã tăng cường NK từ các nước thành viên trong khối EU.
Trong khi đó, NK cá ngừ đông lạnh của Đức từ các nước đang phát triển lại tăng 40%, từ 45 tấn lên 63 tấn vào năm 2011. Tổng lượng NK từ các nước đang phát triển chiếm khoảng 33% tổng sản lượng NK cá ngừ đông lạnh vào Đức. Việt Nam và Indonesia là 2 nước chính cung cấp cá ngừ đông lạnh cho Đức từ năm 2007. Phần còn lại cũng được NK từ các nước đang phát triển nhưng gián tiếp qua Hà Lan. Các loài cá ngừ được NK chủ yếu từ các nước đang phát triển là cá ngừ vây vàng, cá ngừ albacore và cá ngừ mắt to.
Hiện tại quy mô sản xuất các sản phẩm cá ngừ chế biến sẵn của Đức rất nhỏ. Các công ty sản xuất của Đức chủ yếu NK cá ngừ nguyên liệu dạng thô (cá ngừ cắt khúc/miếng) để phục vụ sản xuất. NK cá ngừ nguyên liệu cắt khúc chiếm khoảng 40% tổng khối lượng NK cá ngừ tươi/sống/đông lạnh/khô của Đức. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm này lại được tái xuất sang các nước Đông Âu.
Sau sự sụt giảm hồi năm 2010 do nhu cầu tiêu thụ giảm, NK cá ngừ của Đức đã tăng liên tục cho tới nay, tăng hơn 67%. Tổng giá trị NK cá ngừ của nước này trong năm 2013 đạt hơn 76,3 nghìn tấn, trị giá hơn 429 triệu USD. Trong đó, cá ngừ chế biến đóng hộp mã HS16 là sản phẩm NK chính của nước này, chiếm hơn 97% tổng giá trị NK cá ngừ của nước này mỗi năm. Dự báo NK cá ngừ của Đức trong năm 2014 vẫn tăng trưởng tốt.
Theo vinanet