Trước tình trạng xuất hiện nhiều trường hợp lừa đảo gần đây từ các đối tác tại Châu Phi, đặc biệt là khu vực Tây Phi, Bộ Công Thương đã có một số bài viết cảnh báo cho các doanh nghiệp và cá nhân trong nước cảnh giác với những đối tượng này. Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương tổng kết một số đặc điểm để có thể nhận dạng các đối tượng lừa đảo:
Đối tượng lừa đảo thường giả mạo là doanh nghiệp lớn ở một nước Tây Phi, đôi khi tự nhận là Tổ chức Phi Chính phủ, tổ chức từ thiện hoặc một Cơ quan của Nhà nước, trong số này có nhiều cơ quan không có chức năng tổ chức đấu thầu và ký kết các hợp đồng thương mại.
Đưa ra đề nghị mua hàng hoặc ký hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hoá với các doanh nghiệp trong nước, hoặc thông báo doanh nghiệp được chọn trúng thầu hoặc được chỉ định thầu xuất khẩu hàng hoá sang các nước khu vực Tây Phi, giá trị các hợp đồng mua hàng thường rất lớn, giá mua hấp dẫn và điều kiện giao dịch đơn giản.
Hầu hết các giao dịch của đối tượng chỉ thông qua hình thức thư điện tử và đề nghị ký hợp đồng khi chưa gặp mặt trực tiếp. Đối tượng cũng cung cấp địa chỉ trang web giả giới thiệu về doanh nghiệp hoặc tổ chức, cung cấp các giấy tờ xác nhận, giấy phép để tạo niềm tin.
Trong quá trình giao dịch, các đối tượng châu Phi thường yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu trả trước một số tiền lệ phí như phí nhập khẩu, phí giao dịch, phí trúng thầu hoặc phí đăng ký cấp giấy phép nhập khẩu với giá trị chỉ khoảng một vài nghìn đô-la Mỹ, chuyển vào tài khoản do đối tác cung cấp, thông thường là một tài khoản cá nhân.
Văn bản và chứng từ giao dịch có nhiều lỗi chính tả, câu chữ không chuẩn mực. Tại một số nước ở Châu Phi, tiếng Pháp là ngôn ngữ hành chính, vì vậy tất cả các văn bản giao dịch chính thức phải bằng tiếng Pháp. Do đó nếu một văn bản hành chính (như giấy phép kinh doanh) viết bằng tiếng Anh thì đó có thể là văn bản giả.
Đối tượng cung cấp các địa chỉ thư điện tử sử dụng các hòm thư miễn phí trên mạng (yahoo, gmail, hotmail…), số điện thoại di động, địa chỉ không có thật…
Thị trường Châu Phi có nhiều tiềm năng, nhu cầu lớn và đa dạng, tương đối dễ tính và rất phù hợp với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh đồng thời tránh được những rủi ro có thể xảy ra, trong quá trình giao dịch với các đối tác Châu Phi, nếu cảm thấy hiện tượng bất thường từ phía đối tác, doanh nghiệp cần hết sức thận trọng và cần thẩm tra kỹ đối tác trước khi tiến hành các hoạt động giao dịch.
Để xác minh doanh nghiệp đối tác nước ngoài, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác cung cấp địa chỉ đầy đủ bao gồm cả giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu và địa chỉ ngân hàng nơi doanh nghiệp đó mở tài khoản và gửi cho Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại hoặc gửi về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á địa chỉ 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội; Điện thoại: (04)22205406 - (04)22205406; E-mail: VCPTANA@moit.gov.vn) để xác minh trước khi tiến hành giao dịch.
Theo Vinanet