Jetstar Pacific tăng thị phần, Air Mekong gia tăng hiện diện và mở rộng kênh phân phối... thị trường hàng không nội địa đã xuất hiện những nhân tố cạnh tranh.
Sau gần nửa năm tham gia thị trường, hôm 8/4, Air Mekong thực hiện kế hoạch mở rộng mạnh mạng lưới phân phối đầu tiên bằng hợp đồng hợp tác chiến lược với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT). Theo thỏa thuận, VNPT sẽ bán vé máy bay tại gần 18.000 điểm bưu điện trên toàn quốc cho Air Mekong. Đổi lại, Air Mekong vận chuyển bưu kiện, bưu chính trên các chuyến bay nội địa cho VNPT.
Chủ tịch Air Mekong - Đoàn Quốc Việt chia sẻ sự hợp tác này là cơ sở để hãng tính đến việc đi sâu vào lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong tương lai.
Lãnh đạo VNPT thì tiết lộ, với hợp đồng hợp tác chiến lược, tập đoàn sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ vận chuyển của Air Mekong. Đồng thời, VNPT cũng sẽ khuyến khích cán bộ công nhân viên của mình thường xuyên tham gia các chuyến bay của đối tác chiến lược trên các chặng nội địa.
Giới chuyên gia nhìn nhận, hàng không là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, trong đó, chi phí vận hành bộ máy, nhân lực... của các hãng không khác nhau nhiều. Bên cạnh đó, giá vé máy bay vẫn nằm trong diện quản lý và bị khống chế mức trần. Do vậy, để tồn tại, doanh nghiệp mới buộc phải có "chiêu độc" mới mong cạnh tranh được.
Trên thực tế, việc mở rộng mạng lưới bán vé là một trong những khó khăn ban đầu mà hãng vận chuyển mới nào cũng gặp phải. Vì vậy, việc tận dụng cơ sở hạ tầng của VNPT hay những đối tác khác để nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối là một giải pháp chiến lược mà không chỉ Air Mekong mà các hãng khác như Vietjet Air hay Indochina Airlines... sẽ phải tính tới.
Trước đó, Jetstar Pacific đã ký hợp đồng thanh toán tiền vé máy bay qua 1.100 điểm bưu điện của VNPT. Bên cạnh đó, hãng cũng ký hợp tác chiến lược với nhiều ngân hàng để triển khai bán vé máy bay điện tử.
Bên cạnh việc kết hợp với các đối tác để tăng sức mạnh, hãng hàng không mới Air Mekong cũng không chọn cách đối đầu trực tiếp với "ông anh" Vietnam Airlines. Thay vào đó, hãng chọn giải pháp là cung cấp các dịch vụ bay trên những chặng đông khách và thường xuyên quá tải hoặc các tuyến mà Vietnam Airlines ít chú ý.
Chiến lược "chọn cửa ngách" với việc sử dụng đường bay tầm ngắn và trung phục vụ hành khách tới các điểm du lịch đã giúp Air Mekong hạn chế tối đa lỗ cho hãng mới gia nhập thị trường. Và sau khoảng 3 tháng hoạt động, Air Mekong đã đạt trên 120.000 khách.
Trước đó, Jetstar Pacific cũng thực hiện tái cơ cấu, lựa chọn mô hình giá rẻ để khác biệt so với "anh cả" Vietnam Airlines. Bằng chính sách tiết giảm tối đa chi phí, Jetstar Pacific đưa ra cam kết, giá vé luôn thấp hơn các hãng vận chuyển khác 10%. Kể từ đó, ngày càng nhiều người có cơ hội được bay với giá vé rẻ.
Chính sách giá rẻ đã giúp Jetstar Pacific tăng thị phần từ 14% lên 23% trong năm 2010. Hiện tại, hãng đã có nhóm khách hàng là những người có thu nhập trung bình, muốn đi máy bay với mức giá tiết kiệm nhất.
Giới chuyên gia nhìn nhận thị trường hàng không bước đầu có cạnh tranh, dù phần lớn thị phần vẫn thuộc về Vietnam Airlines với hơn 70%. Không cạnh tranh trực tiếp với công ty dẫn đầu thị trường nhưng những hãng nhỏ như Jetstar Pacific, Mekong Air... đang tìm cho mình những thị trường ngách, những hợp tác chiến lược đặc biệt để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng và có thể tồn tại, phát triển.
Theo VnExpress