|
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng Bảy đã đạt được nhiều thành tích vượt trội, ước đạt 8,4 tỷ USD, tăng 38,5% so với tháng 7/2010.
Tính chung bảy tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 51,46 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 32,8%.
13 mặt hàng tham gia câu lạc bộ 1 tỷ USD
Đóng góp vào bức tranh xuất khẩu trong bảy tháng qua chính là lợi thế từ các mặt hàng chủ lực. Trong đó, đã có mười ba mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng hai mặt hàng so với tháng Sáu).
Bao gồm: thuỷ sản; cà phê; gạo; cao su; dầu thô; xăng dầu; sản phẩm gỗ; hàng dệt may mặc; giầy dép các loại; đá quý và kim loại quý; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Xét theo nhóm hàng, so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt trên 11,26 tỷ USD, tăng 38,8% và chiếm tỷ trọng 21,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh như: cà phê tăng 83,7%, hạt tiêu tăng 63,9%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 81,5%, cao su tăng 77,2%...
Nhóm nhiên liệu, khoáng sản cũng vươn lên, đạt 6,34 tỷ USD, tăng 37,6% và chiếm tỷ trọng 12,3%, trong đó: xăng dầu tăng 68,8%, quặng và khoáng sản tăng 63,7%, dầu thô tăng 39,1%. Riêng mặt hàng than đá chỉ tăng 8,1%.
Riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 24,3% và chiếm tỷ trọng 50,0%. Dự kiến cả năm 2011 thì nhóm này sẽ đóng góp khoảng 45 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu chung.
Một số mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng cao như: quặng và các khoáng sản khác tăng 40,3%, sắn và các sản phẩm sắn tăng 38,8%, xăng dầu tăng 21,3%, sắt thép tăng 20,3%, chất dẻo nguyên liệu tăng 20,1%, cà phê tăng 18%, gạo tăng 9,0%. Tuy nhiên, một số mặt hàng lượng xuất khẩu giảm đáng kể như: nhân điều giảm 16,9%, chè giảm 4,8%, than đá giảm 12,8%, dầu thô giảm 3,9%.
Lợi thế về giá cũng giúp nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như: nhân điều tăng 44,7%, cà phê tăng 55,6%, chè các loại tăng 4,3%, hạt tiêu tăng 68,5%, gạo tăng 1,4%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 30,8%, cao su tăng 59,0%, than đá tăng 24,0%, dầu thô tăng 44,7%, xăng dầu các loại tăng 39,2%, quặng và khoáng sản khác tăng 16,7%, sắt thép tăng 19,9%, chất dẻo nguyên liệu tăng 13,5%.
Nhìn chung, xuất khẩu vào các khu vực thị trường đều có mức tăng trưởng khá cao: xuất khẩu vào ASEAN tăng 19,0% và chiếm tỷ trọng 14,3%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 23,1% và chiếm tỷ trọng 9,9%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 57,7% và chiếm tỷ trọng 10,5%; xuất khẩu thị trường Mỹ tăng 20,1% và chiếm tỷ trọng hơn 17,9%; xuất khẩu vào EU tăng 47,1% và chiếm tỷ trọng 17,1%.
Nhập siêu có xu hướng giảm dần
Theo ước tính, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 7 ước đạt 8,6 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng 6 nhưng tăng 21,2% so với tháng 7/2010.
Tính chung bảy tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 58,1 tỷ USD tăng 26,2% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 32,69 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 56,3%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,42 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 43,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Việc nhập khẩu tăng cũng xuất phát từ nguyên nhân giá cả. Đơn cử, nhiều mặt hàng là đầu vào phục vụ sản xuất và hàng tiêu dùng đều có mức tăng giá mạnh, như: bông tăng 97,7%, lúa mỳ tăng 70,5%, phân bón tăng 63,9%, xăng dầu các loại tăng 58,5%, cao su các loại tăng 54,2%, sợi các loại tăng 51,8%,...
Thậm chí, những mặt hàng thuộc nhóm cần hạn chế nhập khẩu cũng tăng như: ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 63,8%, hàng tiêu dùng các loại (trừ ôtô dưới 9 chỗ) tăng 6,4%,...
Châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam khi tăng 28,7% trong bảy tháng và chiếm tỷ trọng khoảng 79,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong đó: Trung Quốc tăng 21,5%, chiếm tỷ trọng 23,6%, ASEAN tăng 33,0%, chiếm tỷ trọng 20,4%, Hàn Quốc tăng 37,8%, chiếm tỷ trọng 12,4%, Nhật Bản tăng 14,4%, chiếm tỷ trọng 9,6%. Nhập khẩu từ thị trường EU tăng 20,6% và chiếm tỷ trọng 7,2%.
Theo nhận định của Bộ Công thương, những tháng cuối năm là thời gian các chính sách hạn chế nhập siêu bắt đầu có tác dụng, điều này sẽ tác động tích cực đến cán cân thương mại của nước ta.
Trước mắt, với kết quả đạt được thì tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu của bảy tháng đầu năm chỉ còn 12,9%, thấp hơn nhiều so với con số tương ứng của cùng kỳ năm 2010 là 19,4%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra cho cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội là 18% và mục tiêu của Chính phủ cho ngành công thương là 16%.
Đây cũng là tín hiệu khả quan để cả năm 2011 đạt được sự vượt trội về xuất khẩu, như tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt trên 85 tỷ USD, vượt xa so với kỷ lục 72,2 tỷ USD của 2010 và có thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm 79,4 tỷ USD do Quốc hội duyệt trước một tháng.
Theo Vietnam+
|