Xu thế liên kết kinh tế khu vực chưa bao giờ ngừng vận động. Đặc biệt, trong những năm 90 của thế kỷ XX, việc thiết lập các khu vực thương mại tự do (FTA) lại bùng lên mạnh mẽ, nhất là sau những thất bại liên tiếp của Vòng đàm phán Đôha của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Không thể sớm nâng cấp hệ thống thương mại đa phương, các nước đã từng bước hướng nguồn lực sang xây dựng các liên kết khu vực quy mô nhỏ hơn nhưng hiệu quả rõ rệt hơn. Từ năm 2001 đến nay, đã có trên dưới 400 FTA song phương và khu vực xuất hiện với quy mô và hình thức khác nhau. So với các cam kết tự do hóa trong khuôn khổ WTO, các liên kết kinh tế khu vực thường có mức độ mở cửa thị trường mạnh mẽ, sâu sắc và triệt để hơn rất nhiều. Ngoài việc loại bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, các FTA thường đưa ra các cam kết tự do hóa trong nhiều lĩnh vực như thương mại dịch vụ, đầu tư, thậm chí sẵn sàng hợp tác trên các lĩnh vực phi truyền thống trong thương mại khác như tiêu chuẩn lao động, môi trường...
Nước ta tiếp cận và tham gia FTA từ khá sớm. Ngay khi là thành viên ASEAN từ năm 1995, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện giảm thuế theo Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA) từ năm 1996. Vượt qua nhiều thách thức, bỡ ngỡ trong giai đoạn đầu hội nhập, nước ta đã triển khai thuận lợi Chương trình CEPT/AFTA. Năm 2006, Việt Nam cơ bản hoàn thành CEPT/AFTA với việc đưa hầu hết các mức thuế quan về biên độ 0-5%. Các hàng rào phi thuế quan như hạn ngạch, giấy phép, tiêu chuẩn chất lượng cũng được từng bước hài hòa tương ứng với các nền kinh tế ASEAN khác. Nhờ là thành viên của ASEAN, Việt Nam không những được tiếp cận thị trường của các đối tác một cách thuận lợi hơn mà còn có cơ hội bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước với lộ trình dài hơn. Từ năm 2002, dựa trên mối liên kết mật thiết với ASEAN, nước ta cũng lần lượt tham gia các FTA giữa ASEAN với rất nhiều nước đối tác lớn trong khu vực. Năm 2004, Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được thành lập. Năm 2007, Hiệp định xây dựng Khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) được ký kết. Năm 2008, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) được ký kết với mục tiêu xây dựng FTA vào năm 2015. Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia và New Zealand (AANZFTA) cũng lần lượt được thiết lập trong năm 2009 với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn thuế quan đến năm 2020.
Tuy vậy, quá trình tham gia FTA của nước ta chỉ có sự thay đổi về chất khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Chúng ta đã tham gia một cách sòng phẳng hơn với động cơ chính của mọi cuộc đàm phán là vấn đề lợi ích trong quan hệ thương mại và đầu tư. Với các đối tác FTA, Việt Nam cũng đã chứng tỏ mình là một đối tác tin cậy. Các FTA không chỉ được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, mà chính chúng ta đã lựa chọn những đối tác phù hợp, có lợi cho chiến lược hội nhập của đất nước. Năm 2008, FTA song phương đầu tiên của Việt Nam là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản, có hiệu lực từ tháng 10 năm 2009. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán FTA song phương với Chi Lê, tham gia đàm phán với tư cách thành viên chính thức của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các FTA ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), ASEAN+6 (thêm Ấn Độ, Australia và New Zealand) và FTA song phương với Liên bang Nga, Liên minh châu Âu và Hàn Quốc cũng đang được xem xét nghiêm túc.
Trong tất cả các cuộc đàm phán FTA, động lực quan trọng nhất của nước ta luôn gắn với mục tiêu phát huy lợi ích xuất khẩu của hàng hóa trong nước. Có lẽ, việc quan tâm đến xuất khẩu cũng chính là mối quan tâm đến nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Tuy vậy, suy xét lợi ích xuất khẩu cũng được cân nhắc trên hai phương diện là ngắn hạn và dài hạn.
Trong ngắn hạn, mối quan tâm đến lợi ích xuất khẩu chính là sự so sánh tương quan trực diện về sức cạnh tranh với các hàng hóa giữa các quốc gia, nhất là những quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines với nước ta có ý nghĩa rất lớn. Cũng như bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực, Việt Nam tham gia FTA một phần vì không muốn mất đi ưu thế xuất khẩu, là động lực để ta cùng thiết lập FTA với các đối tác của mình. Hiện tại, đối tác FTA của ASEAN và Việt Nam đều là các quốc gia Đông Á. Đây là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của nước ta với kim ngạch gần 35 tỷ USD, tương đương với 48% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trên thực tế, trên góc độ trực diện nhất, cơ hội xuất khẩu đối với các mặt hàng cụ thể của nước ta trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia cũng rất đáng kể. Với Nhật Bản, 79% xuất khẩu nông sản của ta sẽ được hưởng ưu đãi thuế 0%. Mức thuế trung bình nhờ cam kết FTA đã giảm từ 8,1% xuống 4%. Các mặt hàng có lợi nhất là rau quả tươi, cà phê, chè, thịt lợn và các sản phẩm gỗ. Hàng thủy sản có thuế suất trung bình giảm từ 5,4% xuống 1,3%. Riêng đối với các sản phẩm công nghiệp, 100% thuế suất hàng công nghiệp đạt 0% ngay trong năm 2010.
Các mặt hàng có lợi nhất là dệt may, giày dép, hóa chất, điện và điện tử. Với thị trường Australia và New Zealand, mặc dù là thị trường có mức bảo hộ bằng thuế quan tương đối thấp nhưng khoảng 14% xuất khẩu của Việt Nam (chủ yếu là hàng may mặc, giày dép, một số sản phẩm kim loại) đang chịu mức thuế từ 7- 100% sẽ được giảm thiểu đáng kể từ 2013. 97% xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sẽ có thuế suất 0% vào năm 2013 và 100% xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sẽ có thuế suất 0% vào năm 2020. Tương tự, 44% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang New Zealand đang chịu mức thuế suất từ 7 - 80%. Đến năm 2013, 90% xuất khẩu Việt Nam sang New Zealand sẽ có mức thuế bảo hộ 0% và 100% xuất khẩu của ta sang New Zealand có mức bảo hộ 0% vào năm 2020. Với thị trường Ấn Độ, 72% xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ sẽ hưởng ưu đãi 0% từ năm 2016. Các mặt hàng được hưởng ưu đãi nhiều nhất là điện tử, dệt may, hóa chất và một số máy móc thiết bị. Riêng các mặt hàng cà phê, chè sẽ có lộ trình giảm thuế thấp hơn mức thuế mà Ấn Độ áp dụng cho các nước khác. Các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc về cơ bản đã không áp dụng thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trong dài hạn, bức tranh về lợi ích xuất khẩu thường được nhìn nhận thông qua các nhân tố tác động đến mục tiêu hình thành năng lực cạnh tranh của đất nước trong tương lai. Cơ sở nhận diện lợi ích xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam chính là khả năng điều chỉnh cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta khi tham gia các FTA của khu vực.
Cho đến nay, việc thiết lập FTAvới các nền kinh tế to lớn và năng động bậc nhất trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc đã mang đến nhiều cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Từ năm 2004 đến 2010, kim ngạch hai chiều Việt Nam với các đối tác ASEAN và Đông Á đã tăng từ 32 tỷ USD lên 82 tỷ USD, tức là tăng gần 270%. Mức tăng trưởng hàng năm đạt 28%. Trong đó, tỷ trọng thương mại của các nước đối tác trong khu vực ASEAN và Đông Á là 53% trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam, nếu tính thêm 3 đối tác là Australia, New Zealand và Ấn Độ trong ASEAN+6 thì con số này là 56%. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Á còn tăng trưởng với tốc độ cao. Có thể nói, tham gia vào FTA với ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, nước ta có cơ hội tiếp cận thuận lợi và khai thác thị trường khổng lồ chiếm hơn 50% dân số và GDP thế giới, mở ra nhiều tiềm năng xuất khẩu.
Theo nhóm nghiên cứu về tính khả thi của FTA Đông Á bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Khu vực thương mại tự do Đông Á (EAFTA) dự kiến sẽ là một khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới về quy mô người tiêu dùng và đứng thứ 3 thế giới về GDP, sẽ hình thành một thị trường khổng lồ với tổng số người tiêu dùng lên tới gần 2 tỷ và gần 3.000 tỷ USD về giá trị GDP. Với sự năng động, nhạy bén của các nền kinh tế trong khu vực này, FTA Đông Á sẽ tác động không nhỏ đến lợi ích kinh tế, thương mại của từng nước, trong đó có Việt Nam. Cũng theo nghiên cứu này, một khi FTA Đông Á hoàn thành, tổng GDP của các nước Đông Á sẽ tăng lên 1,2 % và phúc lợi kinh tế lên 104,6 tỷ USD. Riêng đối với Việt Nam, FTA Đông Á dự kiến sẽ mang lại sự tăng trưởng 2,83% về GDP và lợi ích do sự phát triển của thương mại sẽ đạt 3,029 tỷ USD. Đây quả là con số rất ý nghĩa đối với lợi ích thương mại của nước ta.
Khác với những lợi ích xuất khẩu ngắn hạn, trực diện, lợi ích xuất khẩu trong dài hạn phụ thuộc vào sự thay đổi trong cơ cấu hàng xuất khẩu dưới tác động của các luồng thương mại và đầu tư. Hiện nay, cơ cấu xuất khẩu của nước ta còn rất đơn điệu, giá trị gia tăng tương đối thấp. 85% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn là các sản phẩm dầu thô, nông, lâm, thủy sản, khoáng sản và dệt may. Đây là các mặt hàng mà ta có thế mạnh do lợi thế về tài nguyên và lao động nhưng giá trị gia tăng thấp, lợi ích kinh tế không cao, thiếu tính bền vững. Cơ cấu trao đổi thương mại với các nước Đông Á hiện nay phản án sự liên kết ngành chưa cao. Sự đóng góp trực tiếp của các ngành sản xuất của nước ta vào chuỗi cung ứng giá trị mang tầm khu vực còn rất hạn chế. Gần đây, một số mặt hàng xuất khẩu có hàm lượng gia tăng cao hơn như điện, điện tử, sản phẩm nhựa, dây điện đã bắt đầu xuất hiện nhưng tỷ trọng chưa đáng kể. Tình trạng này sẽ chỉ được cải thiện cho đến khi trạng thái cân bằng mới được xác lập trong dài hạn khi nước ta tham gia sâu hơn vào liên kết ngành trong khu vực, dẫn đến sự biến chuyển về cơ cấu chung của nền kinh tế theo hướng hội nhập. Sự gần gũi về địa lý, quan hệ kinh tế, chính trị giữa nước ta và các đối tác Đông Á là một trong những nhân tố quan trọng quyết định chất lượng phát triển của kinh tế nước ta.
Cùng với sự mở rộng của các FTA trong khuôn khổ ASEAN, lợi ích xuất khẩu của nước ta sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa nhờ các FTA song phương mà ta đã chủ động khởi xướng hoặc tham gia, ví dụ như các FTA song phương Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Nga hay Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc thiết lập các FTA với EU, Hoa Kỳ và Nga sẽ hoàn tất chuỗi khu vực thương mại tự do mà Việt Nam tham gia với các đối tác kinh tế lớn trên thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 12 tỷ USD, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta với kim ngạch 10 tỷ USD. Đây là hai thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt nhất, khoảng 400% trong vòng 7 năm từ 2003 đến 2010. Đây cũng là thị trường mà Việt Nam luôn duy trì trạng thái xuất siêu ổn định. Với Nga, dù thương mại chưa cao như mong đợi nhưng Nga luôn là thị trường xuất khẩu truyền thống và rất nhiều tiềm năng. Việc thiết lập FTA với các thị trường này sẽ là cú hích lớn cho thương mại Việt Nam.
Sự chủ động của các doanh nghiệp là nhân tố quyết định sự thành công của chính sách hội nhập kinh tế đất nước. Trong những năm qua, điều rất đáng lưu ý là các doanh nghiệp Việt Nam đã tỏ ra quan tâm hơn, tận dụng tốt hơn các ưu thế mà FTA mang lại. Năm 2010, gần 12% xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đã hưởng ưu đãi thuế, tăng so với mức 6% năm 2005. 21,7% hàng xuất khẩu của ta được hưởng ưu đãi thuế của Trung Quốc, tăng từ mức 6,3% năm 2007. Đặc biệt, có đến 79% xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế từ Hàn Quốc. Đối với Nhật Bản, mặc dù mới triển khai FTA, 28% xuất khẩu của ta đã được hưởng ưu đãi thuế của nước này.
Rõ ràng, lợi ích của FTA không chỉ phụ thuộc vào vai trò định hướng của nhà nước, mà quan trọng hơn chính là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động trong việc: tìm hiểu những cam kết thuế quan, quy tắc xuất xứ, các quy định về vệ sinh, kiểm dịch và các quy định kỹ thuật khác, nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng, giá trị và trách nhiệm đối với uy tín sản phẩm. Từ phía các cơ quan quản lý, cần đặt ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu. Điều đáng khích lệ là các doanh nghiệp Việt Nam đã tiệm cận và tận dụng khá tốt các ưu đãi trong khuôn khổ FTA.
Theo Vinanet
|