Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Tăng tốc xuất khẩu: Đòn bẩy từ thị trường nội địa

8/31/2011 9:55:41 AM

Sáng 30/8, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo Tác động của Hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế, thương mại Việt Nam và các khuyến nghị chính sách, nhằm giúp các cơ quan chức năng đưa ra những giải pháp trong việc hoạch định chính sách thương mại mười năm tới.

Theo đánh giá của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng nhóm chuyên gia trong nước, Dự án Mutrap III, trong giai đoạn 2006- 2010, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã được đẩy nhanh hơn. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này cũng đạt bình quân 7%/năm.

Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng vẫn đóng vai trò đầu tàu đối với tăng trưởng kinh tế, với giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14,9%/năm và ngành công nghiệp hỗ trợ cũng bắt đầu hình thành…

Tuy nhiên, lạm phát tăng rất cao, trung bình giai đoạn 2006-2010 tăng 11,4% và có xu hướng gia tăng trở lại năm 2011. Ngoại trừ năm 2009, xuất khẩu đã liên tục tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 17,2%/năm, không thay đổi nhiều so với giai đoạn trước khi gia nhập WTO.

Trong khi đó, nhập khẩu tăng nhanh, khiến cán cân thương mại bị thâm hụt. Đây chính là kết quả của mức đầu tư quá lớn, và theo đó là chênh lệch lớn giữa đầu tư và tiết kiệm trong nước.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, một khía cạnh quan trọng cần xem xét là cấu trúc hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu dường như không có bước đột phá trong giai đoạn 2001-2010.

"Xuất khẩu chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, các mặt hàng nông sản và các mặt hàng sử dụng nhiều nhân công trong quá trình sản xuất," ông Thành nói.

Diễn biến tăng nhập siêu đi liền với sự mất cân đối nghiêm trọng giữa đầu tư và tiết kiệm trong nước, cách thức điều hành chính sách vĩ mô (tài khóa, tiền tệ, tỷ giá), chính sách đầu tư và thương mại.

Các doanh nghiệp FDI cũng là một nhân tố đáng kể làm tăng nhập khẩu, nhập siêu qua hàng hóa vốn (thiết bị máy móc tăng song trong nhiều trường hợp chưa tạo được năng lực cạnh tranh trong dài hạn.)

Để đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu giai đoạn 2011-2020, theo ông Trương Đình Tuyển, cần có các biện pháp khuyến khích tiết kiệm và giảm tiêu dùng, có thể áp dụng các biện pháp hành chính, hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập hàng tiêu dùng xa xỉ.

Trong đó, chính sách thu hút FDI cần tập trung vào những đối tác nhiều tiềm năng, dần chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ đầu tư vào công nghiệp chế biến, tạo thêm năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu mới.

Ngoài ra, cần phải tập trung đầu tư mở rộng năng lực sản xuất các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, cụ thể ở đây là 8 mặt hàng (sản phẩm nhựa, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, điện tử - điện lạnh và linh kiện, dây điện và cáp điện, cơ khí, vật liệu xây dựng) đã đạt tốc độ tăng xuất khẩu bình quân cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong giai đoạn 2006-2010 và đều có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Một số mặt hàng có tiềm năng như nông lâm thủy sản... cũng phải đi theo hướng nâng cao giá trị, hạn chế việc xuất khẩu thô và nguyên liệu như hiện nay.

Theo ông Trương Đình Tuyển, bài học quản lý xuất khẩu gạo vừa qua là một quyết định đúng đắn nhằm tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và lưu thông, hình thành chuỗi cung ứng ổn định và có nguồn hàng dự trữ trong mọi tình huống.

Theo đó, việc qui định những doanh nghiệp lớn đủ tiêu chuẩn mới được tham gia xuất khẩu sẽ loại bỏ những doanh nghệp yếu kém, giúp giá lúa tăng, nông dân có lãi hơn, và thương nhân xuất khẩu gạo cũng tăng phần trách nhiệm trong bình ổn giá gạo thị trường.

Bên cạnh đó, giá lúa tăng khiến nông dân gắn bó hơn với cây lúa, diện tích và năng suất trồng lúa tăng, góp phần ổn định nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu.

Còn việc điều chỉnh tỷ giá Việt Nam trong tháng 2/2011 theo ông Tuyển, trong bối cảnh phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu như hiện nay thì sẽ không đem lại hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, thậm chí còn làm tăng lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và điều này chỉ nên thực hiện khi kinh tế vĩ mô ổn định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, thay đổi cơ cấu đầu tư, cải thiện chất lượng hàng hóa xuất khẩu là những vấn đề mấu chốt để đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế.

Do vậy, trong giai đoạn 2011-2020, cần phải tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi hàng rào kỹ thuật của các nước đối tác FTA và nhiều nước trong WTO áp dụng đã cao hơn hẳn so với Việt Nam, hàng Việt Nam không vào được các thị trường đó không phải là do thuế cao mà do yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa của họ quá cao mà doanh nghiệp sản xuất của chúng ta chưa đáp ứng được.

Những ý kiến trên của các chuyên gia trong Hội thảo sẽ là những đóng góp quan trọng giúp Bộ Công thương có cách nhìn sâu và toàn diện hơn trong việc xây dựng đề án xuất nhập khẩu giai đoạn 2010-2020.

 

Theo ước tính, Tám tháng đầu năm 2011 mặc dù kinh tế thế giới và khu vực còn khó khăn nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng 33,7%, trị giá gần 61 tỷ USD, trong đó mức tăng trưởng đạt được nhờ sử dụng các C/O ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam tăng trên 60%, đặc biệt khu vực ASEAN-Hàn Quốc mức tận dụng được lên tới trên 80%.

 

Theo Vietnam+

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com