|
Trong 60,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt được trong 8 tháng qua, yếu tố giá tăng đã đóng góp gần 4 tỷ USD.
Nhập siêu giảm nhẹ
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương tại buổi giao ban trực tuyến công tác tháng 8/2011 vừa diễn ra, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng 8 chỉ đạt khoảng 8,3 tỷ USD, giảm 11% so với tháng 7/2011, nhưng vẫn tăng 19,6% so với tháng 8/2010. Tính chung 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,8 tỷ USD, tiếp tục tăng 33,7% so với cùng kỳ. Xét theo nhóm hàng, so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản đạt trên 13,06 tỷ USD, tăng 37,6% và chiếm tỷ trọng 21,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mức tăng xuất khẩu của nhóm nhiên liệu, khoáng sản là 45,1% khi đạt khoảng 7,53 tỷ USD và chiếm tỷ trọng 12,4%. Còn nhóm hàng hóa khác ước đạt 9,67 tỷ USD, tăng 62,4% và chiếm tỷ trọng gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Thời gian qua, không chỉ có giá dầu thô tăng 44,9%, than đá tăng 20,4%..., mà giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu như nhân điều tăng tới 47,7%, cà phê tăng 53,9%, hạt tiêu tăng 67,8%, gạo tăng 4,3%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 28,2%, cao su tăng 57,3%... "Riêng yếu tố tăng giá làm kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 3,95 tỷ USD”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Với kim ngạch nhập khẩu trong 8 tháng ước đạt 67,0 tỷ USD tăng 25,4% so với cùng kỳ, nhập siêu 8 tháng khoảng 6,21 tỷ USD, chiếm 10,21% kim ngạch xuất khẩu, giảm nhẹ so với 7 tháng là 10,3%.
Sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp trong 8 tháng tuy vẫn tăng 7,3%, nhưng tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu chậm lại vì cùng kỳ năm 2010 mức tăng này là 13,7% so với 2009.
Còn theo số liệu vừa được công bố bởi Tổng cục Thống kê thì tính đến ngày 1/8/2011, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 17,8% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 87,5%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 65,8%; sản xuất bia và mạch nha tăng 58,6%; sản xuất giày dép tăng 45,6%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 41,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 39,9%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 39,1%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 38,8%; sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 38,0%...
Kết quả điều tra lao động của 4.279 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (trong báo cáo tháng 8/2011 của Tổng cục Thống kê), cũng cho thấy chỉ số sử dụng lao động tháng qua ước chỉ tăng 0,5% so với tháng trước. Số lao động trong tháng này còn giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2010. Cụ thể, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 7,9%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 2,9% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 1,5%.
Tháng 8, trong ba ngành công nghiệp cấp I, duy nhất có lao động ngành khai thác mỏ tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cùng lao động ngành sản xuất, phân phối điện, ga và nước có mức giảm tương ứng là 4,6% và 6,9%.
Theo VnEconomy
|