Theo số liệu của tổng cục Thống kê, tám tháng đầu năm 2011, ngành điện tử Việt Nam đã xuất khẩu được 2,388 tỉ đôla Mỹ thì nhập khẩu là 3,91 tỉ đôla Mỹ.
Cơ quan thống kê chưa bóc tách số liệu cụ thể của nhóm linh kiện và nhóm thành phẩm để hình dung phần giá trị gia tăng tại Việt Nam. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu thấp vì đến nay, công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn chủ yếu là lắp ráp.
Phần lớn doanh số xuất khẩu nhiều năm nay đều từ các nhà máy của các tập đoàn điện tử nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Shim Won Hwan, tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, năm 2011, doanh số xuất khẩu của các nhà máy thuộc tổ hợp Samsung tại khu công nghiệp Yên Phong 1 (Bắc Ninh) có thể đạt con số 5 tỉ đôla Mỹ, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là nhóm sản phẩm điện thoại di động.
Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm điện tử Việt Nam còn có đóng góp của Fujitsu, Sanyo, Canon, Intel... Trong năm tới, khi nhà máy sản xuất bo mạch đa lớp, sản xuất tủ lạnh và máy giặt của Panasonic (tháng 8.2012), cùng với nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Kyocera (tháng 10.2012) có những sản phẩm đầu tiên…, doanh số xuất khẩu của công nghiệp điện tử Việt Nam có thể chạm ngưỡng 10 tỉ đôla Mỹ.
Ông Lê Văn Chính, cố vấn của công ty Sonca Media cho biết: “Thái Lan, Singapore… cũng vậy. Đến nay họ chưa hề có nhà máy nào của các doanh nghiệp trong nước làm chủ, mà chủ yếu là các tập đoàn điện tử nước ngoài”. So với các quốc gia trong khu vực, kể cả Trung Quốc, thì Việt Nam hiện đang được các nhà sản xuất hàng điện tử lớn trên thế giới quan tâm nhiều hơn nhờ những chính sách ưu tiên của Nhà nước về hoạt động sản xuất, thuế, tiền thuê mặt bằng cùng với chi phí sản xuất, lương công nhân còn ở mức thấp.
Quan sát thực trạng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hơn 20 năm qua, ông Chính nhận xét, làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến sản xuất tại Việt Nam mới là điều quan trọng, không nên khư khư quan niệm “phải xây dựng một ngành công nghiệp điện tử từ sản xuất linh kiện cho đến một sản phẩm hoàn chỉnh”. Ông Chính cho biết: quy luật phát triển công nghiệp điện tử của các quốc gia đang phát triển là cần có những tập đoàn lớn sản xuất, các doanh nghiệp trong nước tham gia vào quy trình sản xuất để từng bước tiếp nhận công nghệ và trình độ sản xuất.
Ông Đỗ Khoa Tân, giám đốc công ty cổ phần điện tử Biên Hoà (Belco), một người gắn bó hơn 30 năm với ngành sản xuất điện tử, cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng: “Xu thế sản xuất toàn cầu đã phân định như vậy. Quan trọng là các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị đó như thế nào. Làm tốt được khâu nào hay khâu đó”. Dù vậy, ông Tân cho rằng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay vẫn là ngành công nghiệp lắp ráp.
Từ năm 2007 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử Việt Nam năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010 ngành điện tử Việt Nam xuất khẩu 3,4 tỉ đôla Mỹ, tăng 39,4% so với năm 2009. Năm 2011, ước tính, doanh số xuất khẩu lĩnh vực này sẽ khoảng 6 tỉ đôla Mỹ. |
Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam (Savina) cho biết: hiện nay tham gia cùng với tổ hợp Samsung Việt Nam có khoảng vài chục doanh nghiệp trong nước nhưng phần lớn chỉ tham gia vào những dịch vụ đơn giản như cung cấp bao bì, nhãn mác… “Phần quan trọng của một sản phẩm điện thoại di động, Samsung phải nhập khẩu hoặc được các nhà sản xuất linh kiện đi cùng Samsung cung cấp”, ông Đạo nói.
Do vậy, giá trị gia tăng thấp. Năm 2010, giá trị xuất khẩu của nhóm sản phẩm điện tử Việt Nam là 3,4 tỉ đôla Mỹ nhưng theo các chuyên gia, giá trị gia tăng chỉ chiếm từ 5 – 10%, chủ yếu là lương công nhân và các khoản chi phí dịch vụ dành cho sản xuất như điện, nước, internet…
Chiến lược cho công nghiệp Việt Nam trong đó có lĩnh vực điện tử giai đoạn 2010 – 2020 đã được triển khai với nhiều mục tiêu mang tính chung chung như xây dựng “một nền công nghiệp điện tử vững mạnh”, “chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ”… Nhưng theo nhiều doanh nghiệp, chiến lược trên chưa có những đề án cụ thể.
Theo SGTT