Thảo luận về tình
hình KT-XH 11 tháng đầu năm, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc triển khai
Nghị quyết 11 với những giải pháp đồng bộ đã tạo ra những kết quả tích cực, nhất
là đã kiềm chế được lạm phát, cơ bản đảm bảo kinh tế vĩ mô và duy trì được mức
tăng trưởng hợp lý.
Nhiều cơ quan dự
báo và điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ cho rằng, đến hết năm nay, lạm
phát sẽ kiểm soát ở con số 18%, tăng trưởng GDP khoảng 6%. Trong khó khăn, vẫn
có nhiều điểm sáng trong nền kinh tế như xuất khẩu tăng gần 35% và cả năm dự
báo tăng 33% so với năm 2010, nhập siêu giảm đáng kể và thấp nhất trong vòng 5
năm qua, công nghiệp tăng trưởng khá và ngành nông nghiệp phát triển ổn định, đạt
mức kỷ lục về sản lượng lương thực. Các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội,
xóa đói giảm nghèo được đảm bảo.
Nhất trí với mục
tiêu tiếp tục kiềm chế lạm phát khoảng 9%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng
trưởng hợp lý, khoảng 6% trong năm 2012, song nhiều thành viên Chính phủ cũng dự
báo, năm tới, sức ép lạm phát không còn lớn, nhưng sẽ xuất hiện sức ép về tăng
trưởng. Bên cạnh đó, do diễn biến phức tạp và khó khăn của nền kinh tế thế giới,
xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn năm 2011. Do đó, về cơ bản vẫn phải
giữ khuôn khổ chính sách như năm nay, song trong điều hành phải linh hoạt hơn,
trong đó có chính sách tiền tệ - tín dụng với việc tăng cung tiền tới giới hạn
cho phép, có lộ trình giảm lãi suất cho vay xuống xấp xỉ 10% vào cuối năm 2012.
Chẳng hạn, chỉ cần giảm lãi suất cho vay từ 18% hiện nay xuống khoảng 14%, sẽ
giúp giảm chi phí cho toàn bộ nền kinh tế và doanh nghiệp khoảng 100 ngàn tỷ đồng,
một con số mà không một chính sách ưu đãi thuế nào đối với doanh nghiệp có thể
so sánh.
Phát biểu kết luận,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2012, để đảm bảo được mức tăng trưởng
khoảng 6%, kiềm chế lạm phát ở mức 9%, chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn giữ
vai trò quyết định, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Do đó, phải tiếp tục chính
sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhưng phải linh hoạt và phù hợp với thực tế,
nhất là chính sách lãi suất phải phù hợp với mức giảm của chỉ số lạm phát.
Thủ tướng nhấn mạnh:
Thời điểm này, giảm lãi suất là một yếu tố quan trọng nhất để hỗ trợ sản xuất,
kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng.
Về các nhiệm vụ trong
thời gian tới, bên cạnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước mắt phải tính
toán hạ giảm dần mặt bằng lãi suất, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản
xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh
nghiệp vừa và nhỏ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa
phương chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo cung ứng các hàng hóa thiết yếu phục vụ
nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, tăng cường kiểm soát giá, giữ
giá cả ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá. Cùng với tiếp
tục tăng cường kiểm soát nhập siêu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ chưa
thực sự cần thiết, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục triển khai đồng bộ các
nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tội
phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Về nhiệm vụ năm
2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo Nghị quyết của
Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 tiếp tục bổ sung,
điều chỉnh và hoàn thiện Dự thảo nhằm chuẩn bị cho cuộc họp Chính phủ mở rộng
triển khai nhiệm vụ năm tới vào cuối tháng 12.
Về các đề án tái
cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tái
cơ cấu đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ soạn thảo Đề án tiếp
thu ý kiến Chính phủ để hoàn thiện đề án. Theo đó, về tái cơ cấu đầu tư công, đề
án phải làm rõ hơn mục tiêu, yêu cầu và giải pháp. Khẳng định đầu tư công là cần
thiết song phải giảm tỷ trọng trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội, tạo cơ chế để
huy động vốn đầu tư. Giảm tỷ trọng đầu tư công sẽ giúp giảm đầu bội chi, vay nợ
và nợ công, song gắn với đó là phải nâng cao hiệu quả đầu tư công, không để dàn
trải, lãng phí, hiệu quả thấp như hiện nay.
Để làm được, giải
pháp quan trọng nhất được Thủ tướng nhấn mạnh là phải nâng cao chất lượng quy
hoạch, thực hiện phân cấp đầu tư với phân cấp trách nhiệm của người quyết định
đầu tư, đảm bảo tính thống nhất về quản lý Nhà nước của Trung ương.
Đối với đầu tư
ngoài Nhà nước, Thủ tướng cho rằng phải chấm dứt thời kỳ trải thảm đỏ tràn lan
và kiên quyết không chào mời các dự án đầu tư trong các lĩnh vực tiêu tốn năng
lượng, gây ô nhiễm môi trường và chiếm diện tích đất lớn.
Về doanh nghiệp
Nhà nước, Thủ tướng cho rằng, nội dung chủ yếu về tái cơ cấu vẫn là thực hiện cổ
phần hóa, làm rõ cơ chế quản lý và chủ sở hữu, tách bạch Quản lý Nhà nước với
quản lý của chủ sở hữu. Còn đối với hệ thống ngân hàng thương mại, việc cơ cấu
phải đảm bảo giúp hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả, an toàn, minh bạch, đại
chúng hóa, có mô hình quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền
kinh tế và hội nhập quốc tế.
Các đề án này sẽ
tiếp tục được Chính phủ thảo luận, báo cáo trước khi ban hành và triển khai trong
thời gian tới.
Theo VTV