Ai Cập đang đàm phán IMF cứu trợ khẩn cấp khi dự trữ ngoại
hối giảm hơn một nửa so với cùng kì năm trước đó, còn 16,4 tỷ USD.
Dự trữ ngoại hối tại thời điểm cuối tháng 1/2012 của Ai Cập
là 16,4 tỷ USD, giảm tới 53% so với cùng kì năm ngoái và chỉ còn tương đương
3,1 tháng nhập khẩu cho thấy tình hình tài chính bất ổn của quốc gia này.
Kể từ hồi tháng 2/2011, khi chính quyền Tổng thống Hosni
Mubarak bị lật đổ, nền kinh tế Ai Cập đã suy yếu đáng kể do lượng khách du lịch
giảm còn nhà đầu tư thì tháo chạy.
Cho tới thời điểm này, Ngân hàng trung ương Ai Cập đã nhiều
lần can thiệp thị trường ngoại hối để bảo vệ giá trị đồng nội tệ của mình. Tuy
nhiên, việc làm này cũng khiến cho nguồn ngoại tệ dự trữ của Ai Cập bị sụt giảm
nhanh hơn.
Ai Cập cũng đã phải thanh toán 1,7 tỷ USD cho Câu lạc bộ
Paris* và thanh toán các trái phiếu phát hành vào năm 2007 bằng nguồn tiền từ
kho dự trữ ngoại hối trong tháng 1 vừa qua.
Các nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ thị trường trái phiếu cũng
khiến cho ngân sách quốc gia này phải chi thêm 625 tỷ USD trong thời gian qua.
Bộ trưởng Tài chính Momtaz Saieed cho biết: Quốc gia này cần
11 tỷ USD để hỗ trợ cải cách trong vòng “vài năm tới”.
Năm 2011, Ai Cập từng từ chối một khoản vay từ Quỹ tiền tệ
quốc tế (IMF) vì không muốn mắc nợ Tuy nhiên, giờ đây, khi tình hình kinh tế
đang thực sự trở nên tồi tệ, chính quyền Ai Cập đã buộc phải quay trở lại IMF
để vay 3,2 tỷ USD với kì hạn 18 tháng.
Nhà kinh tế Mohamed Abu Basha của ngân hàng đầu tư khu vực
EFG-Hermes nhận định rằng, quyết định của Ai Cập cho thấy tình hình “rất nghiêm
trọng”. Ông Basha cũng cho rằng: “Một thỏa thuận với IMF là hy vọng chính để Ai
Cập có thể tránh nguy cơ suy giảm mạnh của đồng pound”.
Người đứng đầu khu vực Trung Đông của Citigroup, ông Farouk
Soussa thì cho rằng: “Thỏa thuận với IMF sẽ là không đủ đối với Ai Cập. Quốc
gia này cần khuyến khích đầu tư để thu hút nguồn vốn khổng lồ từ các cá nhân,
tổ chức khác”.
Ông này cũng cho rằng,“Ai Cập vẫn còn cách xa thỏa thuận với
IMF” vì IMF chỉ đồng thuận khi chính quyền nước này đảm bảo sẽ tuân thủ các
chương trình kinh tế cần thiết và được sự hỗ trợ của giới chính trị gia.
Cairo đã từng đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 1 tỷ
USD trong năm 2011 nhưng đàm phán thất bại vì tình hình tài chính kém minh
bạch.
* Câu lạc bộ Paris là một tổ chức không chính thức bao gồm
các quan chức tài chính của 19 nền kinh tế lớn nhất thé giới, cung cấp các dịch
vụ tài chính như: cơ cấu nợ, giảm nợ, xóa nợ cho các nước mắc nợ nhưng không có
khả năng trả.
Theo INFOTV