Trạng thái xuất siêu hiếm hoi trong tháng trước ở mức 172 triệu
USD đã không thể kéo dài tiếp sang tháng này. Tổng cục Thống kê ước tính chênh
lệch xuất, nhập khẩu tháng 2/2012 ở mức khoảng 800 triệu USD, mức cao nhất kể từ
quý 4 năm ngoái.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng này ước đạt 8,2 tỷ USD,
tăng khoảng 15,6% so với tháng trước; nhập khẩu tương ứng đạt 9 tỷ USD và tăng
khoảng 30%.
Diễn biến tái nhập siêu trong tháng này tuy đáng buồn nhưng
không phải bất ngờ. Kể từ năm 2009 đến nay, trạng thái ngoại thương mới ghi nhận
5 tháng xuất siêu, với năm 2011 rơi vào tháng 7 và năm 2009 là toàn bộ quý đầu
năm.
Nhưng điểm lưu ý khác nữa là kim ngạch xuất nhập khẩu đã trở
lại với “kích cỡ” bình thường trong giai đoạn nửa cuối năm 2011, tiếp tục ghi
nhận năng lực xuất nhập khẩu của Việt Nam đã ổn định ở một mức cao mới, với xuất
khẩu là khoảng 8 tỷ USD và nhập khẩu là 9 tỷ USD.
Thêm diễn biến này, tổng kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu
năm 2012 ước đạt xấp xỉ 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Phía
nhập khẩu, các con số tương ứng là trên 15,9 tỷ USD và tăng 11,8%. Như vậy,
chênh lệch xuất nhập khẩu cho đến thời điểm này vào khoảng 628 triệu USD (cùng
kỳ năm ngoái là gần 2 tỷ USD).
Với nghĩa là một kênh hỗ trợ tăng trưởng, xuất khẩu hai tháng
đầu năm duy trì tốc độ tăng so với cùng kỳ đã thấp hơn giai đoạn trước, nhưng
trên nền tảng kim ngạch đã mở rộng là đáng chú ý.
Nhìn vào các nhóm hàng hóa, nhiều dãy số có sự tăng trưởng đột
biến nhưng đi kèm theo là sự sụt giảm nặng nề ở các nhóm khác, cho thấy tác động
từ thị trường thế giới không giống nhau lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt
Nam.
Trong hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng tới
15,6% so với cùng kỳ; rau quả, hạt điều tăng trên 10%; chè tăng gần 20%.
Nhưng ngược lại, xuất khẩu cà phê giảm mạnh cả về lượng và
giá, xấp xỉ mức 20% so với năm ngoái; sắn và sản phẩm rơi vào ngưỡng giảm trên
10%. Hay gạo cũng vậy, sản lượng xuất khẩu ước đã giảm 46% so với cùng kỳ, với
kim ngạch giảm 43%, một sự sụt giảm ghê gớm nếu nhìn lại giai đoạn tăng trưởng
trước đây.
Riêng hạt tiêu lại ở tình trạng khác, xuất khẩu về lượng giảm
4,5% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch lại tăng tương ứng trên 36%, cho thấy
giá bình quân xuất khẩu đã cao hơn nhiều so với năm ngoái.
Trạng thái đáng buồn xuất hiện ở diễn biến xuất khẩu cao su. Ghi
nhận ở mặt hàng này là sản lượng xuất tăng tới gần 50% nhưng kim ngạch lại hụt
đi hơn 6% so với năm ngoái. Tương tự là than đá. Đạt sản lượng xuất khẩu tăng gần
90% so với cùng kỳ, tuy nhiên mặt hàng này thu về kim ngạch chỉ tăng khoảng
30%.
Ở các nhóm hàng hóa gia công, đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu
dệt may, giày dép đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch lần lượt là 25,4% và 21% so
với cùng kỳ, bất chấp các quan ngại gần đây rằng thị trường châu Âu khó khăn sẽ
tác động mạnh đến các sản phẩm này.
Vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Lê Thị
Minh Thủy giải thích rằng, ở giai đoạn trước khi chuyển mùa thì các mặt hàng thời
trang thường duy trì được hoạt động sản xuất và xuất khẩu, nguyên nhân này dẫn
tới mức tăng trưởng vừa qua.
Nhưng cũng có nghĩa, xu hướng tăng trưởng kim ngạch với hai
nhóm mặt hàng này chưa thể chắc chắn tính bền vững, có thể sẽ khó tiếp tục duy
trì mức tăng trưởng cao trong giai đoạn sắp tới.
Với các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao khác, gỗ và sản
phẩm đạt mức tăng trưởng trên 19% so với cùng kỳ; điện tử máy tính tăng 62%;
máy móc thiết bị là 56,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng tới trên 86%...
Theo VnEconomy