“Nhận thức luật pháp quốc tế về hàng hải của các chủ tàu Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Điều này khiến nguy cơ tàu biển bị bắt giữ ở nước ngoài ngày càng cao”. Đây là nhận định được ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam đưa ra trong hội thảo “Cập nhật, nâng cao kiến thức pháp lý hàng hải và an toàn hàng hải” do Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam phối hợp với Công ty luật Rajah & Tann (Singapore) và Công ty CP Hàng hải Mermaid Việt Nam tổ chức tại TP.HCM sáng ngày 10-8.
Theo ông Đỗ Xuân Quỳnh, tính đến hết tháng 7-2012, cả nước có 40 tàu đã bị lưu giữ bởi PSC các nước và 7 tàu bị bắt giữ liên quan đến các khoản nợ tài chính. “Nếu chỉ nhìn vào các con số thì thấy so với các năm trước số tàu bị bắt giữ giảm khá nhiều. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lạc quan bởi thực tế trong thời gian qua rất nhiều tàu Việt Nam phải nằm bờ. Do khó khăn về tài chính, một số chủ tàu Việt Nam thậm chí không đủ khả để mua bảo hiểm, tái đăng kiểm tàu và cả sợ các khoản nợ ở nước ngoài nên không dám đưa tàu vào khai thác”, ông Quỳnh cho biết.
Ông Ian Teo, Trưởng bộ phận hàng hải Công luật Rajah & Tann nêu lên vấn đề đang rất được các chủ tàu quan tâm là đặc quyền cầm giữ hàng hải. Theo ông Ian Teo, đây là vấn đề hết sức đáng sợ với các chủ tàu vì đặc quyền này gắn liền suốt đời với con tàu. Trong thời gian qua, một số chủ tàu Việt Nam đã phải chịu thiệt hại nặng vì trong quá trình cho thuê hạn định tàu bên thuê thiếu nợ đối tác khác tiền nhiên liệu. Khi hết thời hạn hợp đồng cho thuê tàu, chủ tàu Việt Nam lấy tàu lại để khai thác liền bị những người cung cấp nhiên liệu kiện cầm giữ tàu bắt phải thanh toán khoản nợ “từ trên trời rơi xuống”.
Tuy nhiên việc áp dụng luật này không thống nhất ở các quốc gia. Chẳng hạn ở Mỹ và Panama, luật pháp thừa nhận đặc quyền lưu giữ hàng hải. Tức là những người cung cấp nhiên liệu có quyền yêu cầu chính quyền cảng cầm giữ tàu để bắt buộc chủ tàu phải thanh toán khoản nợ của bên thuê tàu. Còn Hàn Quốc chỉ thừa nhận nếu quốc gia của tàu treo cờ cũng thừa nhận. Ngược lại, với Singapore, Hồng Kông, Malaysia lại không thừa nhận đặc quyền cầm giữ hàng hải…
Nói về những lỗ hổng trong nhận thức pháp luật hàng hải ở Việt Nam, ông Quỳnh cho biết thêm hiện nay chúng ta đang rất thiếu các luật sư giỏi về chuyên môn cũng như khả năng Anh ngữ để tranh tụng ở nước ngoài nhằm bảo vệ các chủ tàu Việt Nam. Cùng với đó, trong mấy năm gần đây số lượng chủ tàu phát triển quá nhanh, nhưng con người phát triển không theo kịp. Các chủ tàu năng lực quản lý và nắm bắt các công ước quốc tế rất kém. Đồng thời các thuyền viên chỉ được đào tạo lý thuyết gấp rút nên không nắm được các quy định pháp luật quốc tế cũng như vận hành trong thực tế. Do vậy khi tàu Việt Nam ra hoạt động ở nước ngoài nguy cơ bị bắt giữ ngày càng lớn hơn.
THANH LONG