“Niên vụ sản xuất 2012-2013, các nhà máy đường trong nước dự tính sản xuất được 1,5 triệu tấn đường, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là tình hình tiêu thụ mía đường hiện đang gặp nhiều khó khăn do chưa có được một tiếng nói chung giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng”. Đây là thông tin được nêu lên tại hội nghị hợp tác giữa sản xuất và tiêu thụ mía đường tổ chức tại TP.HCM sáng ngày 10-10-2012.
Theo Ông Nguyễn Minh Châu, Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), dự kiến trong niên vụ 2012-2013, 40 nhà máy đường trong cả nước sẽ sản xuất xấp xỉ 1,6 triệu tấn đường các loại trong khi nhu cầu trong nước chỉ đạt 1,35-1,4 triệu tấn. Do đó, trong năm 2013, chỉ riêng lượng đường sản xuất trong nước Việt Nam sẽ thừa khoảng 200.000 tấn. Đó là chưa kể hạn ngạch nhập khẩu hàng năm theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO và một lượng đường lậu rất lớn qua các biên giới với Campuchia và Lào.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, dù lượng đường trong nước trong những năm qua tăng nhanh nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu. Bà Châu Kiều Phương, đại diện của Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết nhu cầu hàng năm của công ty cần khoảng 40-50 ngàn tấn đường RE nhưng chỉ một số ít nhà máy đường trong nước đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng do công ty đặt ra.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Đại diện Công ty Coca-Cola Việt Nam cho biết hàng năm nhu cầu của Coca-Cola Việt Nam vào khoảng 30.000 tấn đường nhưng chỉ có một số nhà máy đường trong nước như Biên Hòa, Bourbon Tây Ninh… đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của Coca-Cola toàn cầu.
Ông Trương Phú Chiến, TGĐ Công ty CP Bánh kẹo Bibica
Ông Trương Phú Chiến, TGĐ Công ty CP Bánh kẹo Bibica cho biết ngoài việc chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng, giá đường biến động quá lớn cũng là một khó khăn lớn cho các doanh nghiệp sử dụng đường. Thời điểm trước và sau niên vụ đường giá cả có khi biến động lên đến 50% khiến cho doanh nghiệp không thể nào tính toán để ổn định sản xuất. Theo ông Chiến, các doanh nghiệp bánh kẹo trong vòng một năm không dám điều chỉnh giá quá 10% trong khi giá đường lại biến động quá lớn. Đu đó khiến cho các doanh nghiệp tiêu thụ đường trong nước sẵn sàng nhập đường về để sản xuất nếu được cấp hạn ngạch. “Nếu doanh nghiệp trong nước khắc phục được những vấn đề trên thì các doanh nghiệp sẵn sàng tiêu thụ đường trong nước”, ông Chiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội đường Việt Nam thừa nhận chất lượng đường hiện nay tuy cùng là loại đường RE nhưng mỗi nhà máy có một chất lượng khác nhau, không đồng nhất. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ nghiên cứu đề xuất cho nới rộng cách phân loại đường. Thay vì chỉ một loại đường RE như hiện nay thì chia thành các loại RE1, RE2… để các những nhà tiêu thụ đường dễ lựa chọn. Để xây dựng được bộ tiêu chuẩn đó, các nhà sử dụng đường làm nguyên liệu cũng cần công bố các bộ tiêu chí của mình để Hiệp hội đường Việt Nam tham khảo xây dựng tiêu chí phân loại đường.
Ngoài ra, theo ông Long, để thúc đẩy tiêu thụ đường, các công ty sản xuất mía đường trong thời gian tới cần có sự hợp tác gắn kết tốt hơn với các doanh nghiệp thương mại và sản xuất chế biến dùng đường làm nguyên liệu để đạt sự ổn định lâu dài, đảm bảo lợi ích hài hòa và sản xuất bền vững giữa các bên.
Thanh Long