Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định thương mại Đối tác xuyên châu Á - Thái Bình Dương (TPP) sẽ làm thay đổi thương mại dệt may toàn cầu. Mỹ được đánh giá là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới với khoảng 100 tỷ USD/năm, trong số khoảng 500 tỷ USD/năm của tiêu thụ dệt may toàn cầu. Điều đó đang mở ra cơ hội rất lớn cho dệt may Việt Nam khi Việt Nam là một trong 9 thành viên của TPP hiện nay. Tuy nhiên, để được ưu đãi, miễn thuế, tăng thị phần vào Mỹ và các thành viên TPP, dệt may Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện không dễ "nuốt"...
Ngành hàng xuất khẩu chủ lực
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 25%-30% trong những năm qua đã tạo một bước tiến mới cho hàng dệt may Việt Nam. Giá trị thặng dư đang tăng dần, hiện chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành đã và đang khẳng định dệt may là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của đất nước. Dệt may vẫn tiếp tục dẫn đầu với trị giá xuất khẩu trong 9 tháng năm 2012 đạt 12,6 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 5,6 tỷ USD, tăng 8%; sang EU đạt 1,81 tỷ USD; sang Nhật Bản đạt 1,45 tỷ USD, tăng 18,7% và sang Hàn Quốc đạt 748 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2011. Dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu dệt may chịu tác động giảm sút đơn hàng, nhưng tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có tăng trưởng cao là nhờ ưu đãi từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam, ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, Hàn Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 4 của dệt may Việt Nam.
Cùng với đó, việc khởi động đàm phán các hiệp định thương mại giữa Việt Nam, ASEAN với EU, đặc biệt là TPP đang mở ra cơ hội rất lớn cho dệt may Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, TPP có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong thương mại dệt may toàn cầu và Việt Nam đang đặt kỳ vọng rất lớn ở thị trường rộng lớn này, đặc biệt là thị trường Mỹ. Vì hiện nay, không dừng lại ở 9 nước trong TPP hiện có gồm Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Australia, Malaysia, Peru, Mỹ, Việt Nam, TPP sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều thành viên khác, dự kiến Canada và Mexico sẽ cùng tham gia trong cuộc đàm phán vào tháng 12 tới.
Thực tế hiện nay, dù được đánh giá là một trong những nước sản xuất, cung ứng hàng dệt may ở top đầu của thế giới, nhưng so với 500 tỷ USD tiêu thụ hàng dệt may toàn cầu mỗi năm thì con số 16 đến 17 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn.
Đánh vào "điểm yếu"
Dệt may Việt Nam có thể làm "đảo lộn", phân chia lại thị phần cung ứng hàng dệt may thế giới nếu đạt được thuận lợi trong đàm phán TPP? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra! Tuy nhiên, bài toán thương mại đang được các nước đặt lên bàn cân để đo, đếm rất kỹ lưỡng. Cho đến thời điểm này, sau nhiều cuộc đàm phán, dệt may vẫn là vấn đề quan trọng được đàm phán và điểm yếu nhất của ngành dệt may Việt Nam, điểm "tử huyệt" vẫn được các bên mang ra ràng buộc. Đó là lĩnh vực dệt, nhuộm để tạo vải - một phân khúc nguyên liệu quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng dệt may!
Đây là lĩnh vực Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu. Hiện nay, các nhóm thương mại công nghiệp dệt may đã liên tục thúc đẩy Mỹ đẩy mạnh quy định "chỉ sợi tiếp nối", yêu cầu sản xuất chỉ, sợi, vải, cắt và may các thành phẩm đều phải diễn ra trong khuôn khổ các nước tham gia TPP. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất dệt may của Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc và một số nước ASEAN.
Muốn nhận được sự ưu đãi, hưởng lợi từ các hiệp định thương mại, dệt may Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện không dễ dàng chút nào. Câu chuyện đầu tư, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đã được bàn tính từ lâu, nhưng đến nay lĩnh vực dệt, nhuộm vẫn chưa có sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Lê Trung Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, Nghị quyết 31 của Chính phủ và chương trình 1 tỷ mét vải đã được triển khai thực hiện nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong muốn. Thực tế đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho dệt may có nhưng chậm và điều này làm chúng ta có cảm giác bị giật lùi.
Theo ông Hải, đầu tư vào dệt nhuộm đòi hỏi bí quyết công nghệ, vốn đầu tư lớn, đội ngũ công nhân phải lành nghề. Cái nào tạo ra siêu lợi nhuận thì cũng sẽ gặp nhiều rủi ro lớn. Hiện nay, để đầu tư một nhà máy dệt, nhuộm phải cần 20 đến 30 triệu USD, trong khi đó, đầu tư một xưởng may chỉ cần khoảng 1-2 tỷ đồng. Chính vì vậy, thu hút đầu tư vào may vẫn nhiều hơn. Doanh nghiệp FDI trong ngành dệt may chiếm đến 60%, chủ yếu ở ngành may.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong hơn 3.700 doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, số doanh nghiệp may chiếm đến 70%, dệt được 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4%, phụ trợ 3%. Nhiều doanh nghiệp dệt, nhuộm tại TPHCM muốn tìm nơi mới để dịch chuyển sản xuất, nhưng các địa phương đều né tránh vì sợ ô nhiễm. Các doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng đầu tư vào dệt nhuộm nếu nhà nước hỗ trợ khâu xử lý nước thải, vì một mình doanh nghiệp tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải sẽ tốn chi phí lớn...
Cơ hội đã nhìn thấy quá rõ nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn không thể làm được gì hơn khi mà các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm vẫn chưa đủ mạnh và cụ thể để có thể hấp dẫn nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Chuỗi sản xuất dệt may của Việt Nam vẫn sẽ còn gãy khúc, "tử huyệt" dệt, nhuộm vẫn sẽ là một nỗi lo đau đáu của Việt Nam trong các cuộc đàm phán thương mại.
Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG